Minimalism - lối sống giản đơn

Từng làm hướng dẫn viên du lịch và nhiều công việc khác tại Hà Nội, Nguyễn Văn Dương quyết định chọn cho mình lối sống tối giản bằng việc mở một homestay nhỏ mang tên “Bỏ phố lên đây” tại mảnh đất vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát). Dương tâm sự: Những năm tháng sống tại thành phố lớn, vội vã, ồn ào, tôi muốn được tìm lại cảm giác thảnh thơi, an nhiên.

"Mỗi sáng thức dậy, xung quanh là núi đồi trùng điệp, biển mây ngút ngàn… là trải nghiệm quý mà có tiền chưa chắc đã mua được. Cứ thế, tôi quên dần việc ngày hôm nay mình phải kiếm được bao nhiêu tiền? Còn bao nhiêu kế hoạch được giao chưa hoàn thiện? Một ngày lao động miệt mài với mảnh vườn nhỏ, nấu nướng, đọc sách và lên mạng viết lách… cho tới khi mặt trời khuất bóng, muỗi vo ve chực đốt khiến tôi trân trọng hơn những gì mình đang có", Dương nói.

Mua cho mình chiếc thẻ thư viện, Ngọc Linh (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) quyết định tạm rời xa mạng xã hội một thời gian để dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách. Ngọc Linh bộc bạch: Đọc sách giúp tôi sống chậm lại và tĩnh tâm hơn. Việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều khiến cuộc sống trở nên ồn ào, mệt mỏi trước những thông tin vô bổ.

“Sống tối giản không yêu cầu bạn phải xa rời internet hoàn toàn mà khiến bạn thay đổi về tư duy, lối sống. Khi loại bỏ được phiền nhiễu bên ngoài, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các mối quan hệ có ý nghĩa. Ví dụ, những bữa ăn hoặc buổi cà phê với bạn bè, gia đình sẽ được gắn kết bởi tiếng cười mà không phải mỗi người một chiếc điện thoại lướt facebook”, Ngọc Linh nói.

Cả Dương và Linh đều khẳng định, khi lựa chọn cuộc sống tối giản đã tìm thấy niềm vui từ những điều giản đơn, “miễn phí” luôn hiện hữu xung quanh mỗi chúng ta. Đó có thể là cảm giác dễ chịu khi ánh nắng buổi sớm chạm trên da, mùi thơm nồng của đất sau cơn mưa, cảm giác nhoẻn miệng cười khi đọc được một câu chuyện hài hước hoặc hạnh phúc khi trở về nhà có người thân đang đón đợi.

Lựa chọn lối sống tối giản từ việc thay đổi thói quen tiêu dùng không tính toán, Nguyễn Mai Loan (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) cho rằng, nếu như trước đây mỗi lần mua sắm, tôi thường không quan tâm tới việc mình đã có những món đồ gì ở nhà thì bây giờ tôi đã học cách tận dụng những thứ có sẵn, mua sắm có tính toán. Tôi còn áp dụng nguyên tắc “5 câu hỏi” trước khi mua một thứ gì đó: “Đây là thứ mình muốn hay cần? Nếu là cần, thì có thực sự cần thiết không? Mình có dùng cho bản thân không? Có thường xuyên không? Có đáng bỏ thời gian ra dùng không?”. Nếu trong số đó có một câu trả lời là “không” thì hãy bỏ qua. Thói quen này giúp tôi không bị lãng phí vào việc mua sắm những món đồ không cần thiết. Dần dần tôi đã thoát khỏi áp lực tài chính vì không còn chi tiêu mạnh tay như trước.

Một trong những cách Vũ Thị Hà (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) tập cho mình cũng như lan tỏa cho các bạn trẻ thói quen sống tối giản là tái sử dụng những món đồ cũ. Chính vì thế, Hà đã mở tiệm đồ ký gửi với mong muốn cùng trao đổi cho nhau những món đồ mà mình cần. Hà chia sẻ: Khi không còn “lao đầu” săn hàng hiệu, mua sắm vô bổ, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bản thân thoải mái hơn rất nhiều trong vấn đề chi tiêu.

Thực tế cuộc sống hiện đại có rất nhiều vấn đề tạo ra áp lực, vì vậy giới trẻ muốn thoát khỏi cuộc sống “chật hẹp”, mệt mỏi và hướng đến phong cách sống thoải mái, đơn giản hơn từ vật chất đến tinh thần. Họ sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình người thân, gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè hoặc đi du lịch thay vì lãng phí thời gian vào việc mua sắm liên tục trong các đợt giảm giá và chất đầy nhà những món đồ mua cho vui chứ không thực sự thích hoặc cần. Những thay đổi nhỏ bé đó giúp họ tĩnh tâm và cảm thấy hạnh phúc hơn. Họ sẽ tìm thấy và biết trân trọng hơn những thứ quan trọng với bản thân để từ đó đón nhận cuộc sống một cách tích cực hơn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/minimalism-loi-song-gian-don-post372343.html