Minsk 'xuống thang', cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan sắp kết thúc?
Giới chức Belarus hôm 18/11 đã dỡ bỏ các trại tị nạn ở biên giới với Ba Lan, tín hiệu tích cực giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng di cư leo thang trong những ngày gần đây.
Ngày 18/11, các cơ quan chức năng Belarus đã dùng xe bus đưa người di cư rời khu lán trại tị nạn chính ở biên giới với Ba Lan tới nơi có điều kiện hậu cần tốt hơn.
Theo hãng thông tấn Belta của Belarus, người di cư sẽ được di chuyển về một trung tâm hậu cần để họ có thể ngủ trong nhà thay vì ở những lều trại tạm bợ ngoài trời dưới thời tiết giá lạnh.
Bước đi này được tiến hành ngay sau cuộc điện đàm cấp cao diễn ra hôm 17/11 giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Lukashenko, hai bên đã đạt được "sự hiểu biết nhất định" về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan và đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán ngay lập tức để tìm phương án giải quyết.
Phía Minsk cho biết, trong cuộc điện đàm với bà Merkel, Tổng thống Lukashenko đã đề xuất một kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa nước này và Ba Lan, trong đó Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác.
Động thái mới nhất của chính quyền Minsk cùng việc Tổng thống Lukashenko và quyền Thủ tướng Merkel nhất trí đàm phán “ngay lập tức” về cuộc khủng hoảng này ở cấp độ giữa Belarus và EU đã mở ra cơ hội làm giảm leo thang căng thẳng.
Giới chuyên gia nhận định, giải pháp đưa người hồi hương được châu Âu nói riêng và các bên nói chung lựa chọn là biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.
Chính quyền Minsk cũng rất ủng hộ giải pháp tình thế này. Trong diễn biến tích cực khác cho thấy cuộc khủng hoảng di cư có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 18/11, khoảng 430 người di cư, chủ yếu là người Kurd ở Iraq, đã làm thủ tục tại sân bay ở thủ đô Minsk để đáp chuyến bay hồi hương đầu tiên kể từ tháng 8 năm nay.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) và Đức đã bác bỏ đề xuất của Belarus về việc các nước EU tiếp nhận 2.000 người di cư đang bị mắc kẹt tại khu vực biên giới nước này với Ba Lan.
Trước đó, hôm 17/11, EC xác nhận sẽ tham gia “các cuộc đàm phán kỹ thuật” với Belarus về cách thức hồi hương những người di cư đang tìm cách vượt qua biên giới Ba Lan. Người phát ngôn EC cho rằng, Belarus cần phải cho phép tiếp cận để triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cung cấp nơi ở tạm thời cho những người di cư ở nước này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer tuyên bố, nước này sẽ không tiếp nhận người di cư đang bị mắc kẹt tại khu vực biên giới Belarus và Ba Lan, nhấn mạnh rằng, chính phủ Đức không có thỏa thuận nào với Minsk về việc tiếp nhận 2.000 người tị nạn. Bộ trưởng Seehofer nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi sẽ không làm là tiếp nhận người tị nạn hay cúi đầu trước sức ép".
Trước đó, quyền Thủ tướng Đức Merkel đã hai lần điện đàm với Tổng thống Lukashenko để thảo luận về căng thẳng ở biên giới Belarus với EU. Chính phủ Đức cho rằng, vấn đề này nên được giải quyết ở cấp độ châu Âu.
Căng thẳng giữa EU và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây. EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Phía Belarus luôn bác bỏ cáo buộc này, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Alexander Lukashenko cho rằng, các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến trên vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán khỏi chiến tranh./.