Mirae Asset: VND có khả năng tăng tương đối so với USD từ 1,5%-2%
Mirae Asset giữ nguyên kỳ vọng VND có khả năng tăng giá tương đối so với USD từ 1,5%−2% trong năm 2021, dưới áp lực cán cân tài khoản vãng lai có khả năng chuyển sang âm và rút ròng của dòng vốn FII.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh, tăng tới 0,52% so với tuần trước, và kết tuần ở 22.792 đồng/USD. Diễn biến tương tự cũng được thấy ở tỷ giá niêm yết ở các NHTM, kết tuần giao dịch ở mức 22.690/22.920, tăng 145 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó.
Diễn biến này tương đồng với các đồng tiền trong khu vực (THB giảm -0,88%) khi Đông Nam Á thông báo đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron đầu nhiễm đầu tiên.
SSI Research đánh giá đây chỉ là biến động trong ngắn hạn của VND và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố Báo cáo đánh giá "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" và tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, dù đã vi phạm 3 điều kiện trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến hết tháng 6/2021.
Nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực, đến từ cán cân thương mại thặng dư (11 tháng ước tính xuất siêu 1,46 tỷ USD), dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối.
Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì khả quan, như trong tháng 11 ghi nhận dòng tiền trị giá khoảng 340 triệu USD từ việc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan).
Còn theo Mirae Asset, tính tới thời điểm cuối tháng 11, tỷ giá VND/USD giảm 0,1% MoM, và giảm 1,6% so với đầu năm. Với sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn FDI thực hiện yếu đi, gây áp lực lên cán cân tổng thể, từ đó gây áp lực lên tỷ giá trong các tháng vừa qua. Dù vậy, Mirae Asset giữ nguyên kỳ vọng VND có khả năng tăng giá tương đối so với USD từ 1,5%−2% trong năm 2021, dưới áp lực cán cân tài khoản vãng lai có khả năng chuyển sang âm và rút ròng của dòng vốn FII.
Năm 2022, VND kỳ vọng sẽ ổn định hơn và dao động trong biên độ quanh 0,5% so với USD, nhờ vào: 1) Cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN; 2) Kì vọng cán cân thương mại sẽ chuyển sang thặng dư trong năm 2022 khi xuất khẩu tăng tốc trở lại; 3) Dòng vốn FDI kì vọng tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu; 4) Dự trữ ngoại hối đạt mức cao và có xu hướng tăng; 5) Việt Nam đã được ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ vào tháng 4/2021, và được Mỹ dỡ bỏ đe dọa thuế quan do “thao túng tiền tệ” vào cuối tháng 7, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD.