Miss Grand Vietnam 2022 và những 'hạt sạn' vẫn còn âm ỉ
Hoa hậu Hòa bình Việt Nam dù đã kết thúc được ít ngày nhưng vẫn khiến khán giả khồn ngừng bàn tán bởi những 'hạt sạn'.
Kết thúc một chặng hành trình đầy chông gai của Miss Grand Vietnam 2022 bằng chiến thắng của Đoàn Thiên Ân, cũng là kết quả khiến cuộc thi được "thở phào" một cách nhẹ nhõm trước hàng tá mũi dao dư luận. Xuyên suốt cuộc đua, Miss Grand Vietnam đã nhiều lần bị dân mạng tranh nhau "nhặt sạn" ở khâu tổ chức và nghiên cứu format bản quyền quốc tế. Đâu là nguyên nhân gì đã khiến Miss Grand Vietnam liên tục rơi vào thị phi trong việc chinh phục khán giả tại Việt Nam?
Thí sinh chưa hiểu đúng về chất "Grand"
Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) được Thái Lan sáng lập với tiêu chí "đóng đinh": Các cô gái tham gia phải thể hiện được màu sắc và cá tính của bản thân nhằm tôn vinh được vẻ đẹp năng động của người phụ nữ trong quá trình đề cao thông điệp về bảo vệ hòa bình. Trên sân khấu Thái, nhiều màn hô tên - catwalk độc lạ nhưng đầy sang trọng, thanh lịch đã khiến Miss Grand trở nên ấn tượng sâu sắc với giới sắc đẹp toàn cầu. Tuy nhiên, khi Việt Nam lần đầu tổ chức lại nhận nhiều ý kiến trái chiều, cụ thể là phần thi áo tắm Best In Swimsuit với lối catwalk múa may quay cuồng khi trình diễn.
Gây choáng nhất vẫn là màn hô tên "khó nghe" trong đêm chung khảo, vì muốn trở thành tâm điểm trên sân khấu nhiều thí sinh đã không ngần ngại như "gào" vào micro làm mất đi sự thanh lịch, duyên dáng của người con gái Việt. Đó chính là sự lầm tưởng của các người đẹp khi chạy theo tiêu chí của quốc tế, đáng lẽ những cô gái khi tham gia cuộc thi phải tự xem xét và vạch ra chiến lược để phần thi vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục quốc gia, vừa đem lại sắc màu đặc trưng của Miss Grand. Rõ ràng, sân chơi này là để tranh tài để trở thành Hoa hậu Hòa bình "Việt Nam" thì phải làm sao cho đúng chất "Việt".
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên đã từng cho biết, các cô gái không cần phải trang điểm quá đậm và làm mọi thứ "ô dề" thì mới là thi Miss Grand. Hãy cứ là chính mình, tự khắc sẽ nổi bật.
Kết quả Top 10 "đi vào lòng đất"
Trong đêm chung kết, nhiều gương mặt như Julia Mỹ Ái, Thùy Trâm, Hoàng Kim Chi, Bùi Lý Thiên Hương, Hồng Tuyết được kỳ vọng lọt vào Top 15, 10, 5 chung cuộc nhưng cuối cùng lại bị loại trong tích tắc. Kết quả này là tạo nên "sóng dư luận" dữ dội đối với Miss Grand Vietnam, một số người quyết định từ bỏ theo dõi cuộc thi vĩnh viễn và nhiều sự "trách hờn" phủ kín mạng xã hội vì nghi ngờ tính minh bạch.
Bên cạnh đó, người hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều nhất chính là Á hậu 3 Trần Nguyên Minh Thư - cô gái được cho là chưa có sự thể hiện nổi trội trong quá trình thi đấu hơn một tháng. Phần thi ứng xử của người đẹp này khá ấp úng vì hồi hộp trước đám đông, kỹ năng xử lý tình huống trên sân khấu còn khá yếu. So với Mai Ngô thậm chí là không thể cạnh tranh, nhưng cô nàng lại vượt lên và đứng chễm chệ ở ngôi vị Á hậu 3 mà nhiều người mơ ước.
Câu hỏi ứng xử gây tranh cãi
Mai Ngô trở thành tâm điểm truyền thông sau khi đêm chung kết kết thúc với màn trả lời câu hỏi "dở khóc dở cười". Đi thi hoa hậu nhưng cô lại nhận câu hỏi cực kỳ khó nhằn từ Giám khảo Á hậu Kiều Loan: "Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó lại nhiều doanh nghiệp lại khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?". Cộng đồng mạng cho rằng đây là một câu hỏi quá thử thách và không phù hợp để hỏi một thí sinh hoa hậu, hoặc nói cách khác đây là loại câu hỏi dành cho các công ty "tuyển dụng". Đứng trước hàng nghìn khán giả cùng câu hỏi khó, Mai Ngô trả lời lúng túng và lan man, lạc đề - đây cũng chính là nguyên nhân khiến câu dừng chân ở Á hậu 4.
Nói về khả năng trình bày trước công chúng, người đẹp sinh năm 1995 là người thể hiện cực tốt ở phần thi Thuyết trình về Hòa bình khi lọt Top 10. Nhiều câu nói của Mai Ngô đã khiến nhiều người phải "rợn da gà" vì quá hay. Liệu nếu cô nhận được một câu hỏi khác, vị trí danh hiệu có thể thay đổi?
Mời quý độc giả xem thêm clip: