Mít tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng

Sáng 27-4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng và Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2-5-1917/2-5-2017).

Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng đại biểu ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội, các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân và đại diện gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Đại tướng Lê Đức Anh, Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng.

Vị tướng tài ba, mưu lược và có uy tín lớn của Quân đội

Tại buổi lễ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và những cống hiến to lớn, vẻ vang của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2-5-1917 tại xã cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) TP Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình làm nghề thủ công, trải qua cuộc sống cơ cực của giai cấp công nhân đã giúp đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại buổi lễ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội dự buổi lễ.

Năm 19 tuổi, đồng chí đã trực tiếp tham gia vận động, tổ chức cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông, Hà Nội, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện sinh hoạt cho công nhân. Năm 20 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 21 tuổi được cử làm Bí thư Chi bộ Ngành Thợ dệt Hà Nội; sau đó, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Trong vòng 5 năm (từ năm 1939 đến năm 1944), đồng chí 3 lần bị địch bắt giam, tù đày lao khổ. Không chịu khuất phục trước cảnh giam cầm, đồng chí đã 2 lần trốn thoát khỏi nhà tù thực dân và bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Trở về tiếp tục hoạt động, đồng chí được cử làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông, Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Ủy viên Thường vụ Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, được phân công tổ chức Chiến khu Quang Trung, kiêm Bí thư Khu ủy, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Quân đội thăm hỏi phu nhân và con gái Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Quân đội thăm hỏi phu nhân và con gái Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Thành lập Chiến khu 2 và làm Chính ủy Chiến khu; Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Phó bí thư Quân ủy Trung ương; Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 3; Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320 - Đại đoàn Đồng bằng. Từ tháng 11-1953 đến tháng 5-1978, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng. Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách giữu chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Thứ nhất, rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc và có uy tín lớn của Quân đội ta. Đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948; phong quân hàm vượt cấp Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974; là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa II; ủy viên Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VI; ủy viên Bộ Chính trị từ khóa III đến khóa V. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cùng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng mưu lược của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, đã có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn luôn giữ tác phong nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc; là người chỉ huy nhân hậu, khoan dung, hết lòng yêu thương bộ đội, luôn quan tâm chăm lo hết mực đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, gắn bó mật thiết với nhân dân; được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tin yêu, kính trọng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng mãi là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, học tập kinh nghiệm các bậc tiền bối và thế hệ cha anh đi trước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; luôn khẳng định bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong bất kỳ tình huống nào, dù phải đối mặt với gian khổ, hy sinh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn làm tròn nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 1, bồi hồi nói: “Trong trái tim tôi, Đại tướng Văn Tiến Dũng là người thầy, người anh lớn. Chính ông đã trang bị trí tuệ nhân sinh quan và thế giới quan cách mạng cho tôi. Ông đã trau dồi đạo đức cách mạng và quan hệ đối nhân xử thế cho tôi từ ngày đầu nhập ngũ; đã chắp cánh từng bước đi vững chắc trên con đường binh nghiệp của tôi. Nhớ về ông là nhớ về một vị tướng mưu lược có tầm nhìn xa trông rộng, đã phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, phù hợp với từng loại chiến trường và giành thắng lợi vẻ vang. Nhớ về ông là nhớ về một một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân", có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, tâm trong, trí sáng, nghiêm khắc trong công việc, nhưng bình dị khiêm nhường, gần gũi trong cuộc sống đời thường. Trở về với đời thường hôm nay, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, phải sống xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” của Hội CCB Việt Nam. Phải sống xứng đáng với Đại tướng Văn Tiến Dũng và những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh…”

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến phát biểu tại buổi lễ.

Đại diện cho thế hệ trẻ trong quân đội, Thượng úy Đỗ Trung Kiên, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Thiết giáp 47, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất tự hào được sinh ra và lớn lên tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội - quê hương đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng. Từ nhỏ, tôi rất thích đọc các tác phẩm văn học và xem phim ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Văn Tiến Dũng. Từ đó hình thành trong tôi động cơ trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi đã đọc hồi ký “Từ trong bão táp”, “Đi theo con đường của Bác”, “Tổng hành dinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh”, “Đại thắng mùa Xuân”. Tôi vô cùng khâm phục trước bản lĩnh, ý chí, tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch lớn giành thắng lợi; trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà Đại tướng trực tiếp chỉ huy với trọng trách là Tư lệnh chiến dịch. Từ đó, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Thượng úy Đỗ Trung Kiên phát biểu tại buổi lễ.

Thượng úy Đỗ Trung Kiên chia sẻ, mỗi lần bước đi trên con đường mang tên Đại tướng, tôi càng thấy vinh dự, tự hào hơn về quê hương yêu dấu của mình - nơi sinh ra những người con ưu tú, mà tên tuổi gắn liền với nhiều chiến công chung của dân tộc Việt Nam. Được sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, thế hệ trẻ chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn và khắc sâu trong tâm khảm mình công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ, của các bậc tiền bối và thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh, đổ biết bao xương máu để có được thành quả cách mạng rực rỡ hôm nay. Noi gương Đại tướng và các thế hệ cha anh, tuổi trẻ chúng tôi nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là lớp người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.

Bài và ảnh: DUY HỒNG - TRỌNG HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/to-chuc-trong-the-le-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dai-tuong-van-tien-dung-505900