'Mớ bòng bong' giữa trời Âu

Covid-19 đã gây ra sự 'thống khổ' trên toàn cầu. Đáng nói, việc triển khai vắc-xin được cho là chậm trễ của Liên minh châu Âu có nguy cơ kéo dài sự đau khổ này.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Nếu các nhà lãnh đạo không sớm hành động dứt khoát, đại dịch có thể mang lại thiệt hại không thể cứu vãn đối với EU.

Khi Covid-19 tấn công, các nước thành viên EU không thể thống nhất về việc triển khai vắc-xin. Chính phủ các nước ủy thác việc mua vắc-xin cho Ủy ban Châu Âu. Song, họ không đạt được sự đồng thuận về chiến lược sản xuất, phân phối và nhóm được tiêm chủng trước.

Gần đây, 13 quốc gia châu Âu đã tạm dừng sử dụng vắc-xin Oxford-AstraZeneca, sau khi ghi nhận một số trường hợp đông máu. Ngay cả kết luận của Cơ quan Dược phẩm châu Âu rằng, vắc-xin này “an toàn và hiệu quả” cũng không làm yên lòng tất cả mọi người.

Trong khi một số quốc gia EU tiếp tục triển khai vắc-xin, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển lựa chọn tạm dừng sử dụng.

Pháp hạn chế sử dụng vắc-xin này cho những người trên 55 tuổi. Những khác biệt này đang làm gia tăng sự nghi ngờ của công chúng về chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại châu Âu.

Ưu tiên hàng đầu của EU trong những tuần tới phải là giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin. Song, các quốc gia thành viên không đạt được sự thống nhất trong vấn đề này. Một số không ngần ngại mua vắc-xin bên ngoài EU.

Đồng thời, châu Âu phải bảo vệ những người có nguy cơ chưa được tiêm chủng. Đối mặt với những thách thức này, Ủy ban Châu Âu đã thành lập một nhóm quản lý nguồn cung cấp vắc-xin trong những tháng tới.

Nhóm này đặt mục tiêu huy động tất cả năng lực sản xuất sẵn có của châu Âu. Họ bày tỏ mong muốn đầy tham vọng là cung cấp vắc-xin cho 70% người trưởng thành tại châu Âu vào cuối mùa hè.

Song song đó, hồi tháng 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen đã công bố về việc thành lập Cơ quan Ứng phó và Chuẩn bị Khẩn cấp Y tế (HERA). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm đối phó với các biến thể mới của Covid-19.

HERA sẽ đóng một vai trò tương tự như Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến Hoa Kỳ (BARDA) - cơ quan đóng góp vào sự phát triển nhanh chưa từng có của vắc-xin Oxford-AstraZeneca, Moderna, Johnson & Johnson.

Thông qua BARDA, Mỹ đã nhanh chóng có được nguồn cung cấp vắc-xin Covid-19 “khổng lồ”, giúp nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng nhanh hơn nhiều so với châu Âu.

Thành công của Mỹ trong phát triển vắc-xin Covid-19 không chỉ nhờ vào ngân sách hơn lớn, mà còn sự điều phối các bước trong toàn bộ chuỗi giá trị vắc-xin.

Nếu tham vọng của EU là tái tạo một sáng kiến như vậy ở châu Âu, rõ ràng là, việc huy động đủ nguồn tài chính cũng trở thành một rào cản.

Bên cạnh đó, thách thức chính là đạt được thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu, giúp HERA đủ quyền tự chủ để hoạt động.

Dù cơ quan này áp dụng hình thức nào, có lẽ, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo châu Âu cần khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin Covid-19 cho khu vực.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/mo-bong-bong-giua-troi-au-CXfda1uMg.html