Mở bung 'cửa ngõ' phía Đông TP HCM
Nhiều công trình đồng loạt thực hiện tại khu Đông TP HCM, đặc biệt là ở điểm nóng Cát Lái, kỳ vọng giảm ùn tắc và tăng sự kết nối
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, khẳng định năm 2020 được xem là giai đoạn quan trọng với nhiều dự án lớn được triển khai. Trong đó, khu vực ra vào cảng Cát Lái (quận 2) - một trong những "điểm nóng" ùn tắc giao thông tại TP - sẽ đồng loạt thực hiện nhiều dự án và giải pháp cấp thiết.
Mở nút giao Mỹ Thủy
Đối với dự án nút giao Mỹ Thủy - vốn là nút giao "độc đạo", tập trung tất cả các hướng lưu thông đều dồn về để tới đường Nguyễn Thị Định, ra vào cảng Cát Lái, theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - chủ đầu tư, quý I năm nay, tại dự án này, công trình cầu Mỹ Thủy 3 sẽ được khởi công. Đồng thời, tại khu vực này sẽ mở rộng đường Đồng Văn Cống, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy. Trong khi theo kế hoạch, nhiều dự án khác tại khu vực trên cũng dự kiến phê duyệt dự án đầu tư và điều chỉnh, thực hiện trước tháng 11 năm nay. Cụ thể, sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Xây Dựng đến nút giao Vành đai 2 (gồm cả hạng mục cầu xây dựng).
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng cho biết cầu Mỹ Thủy 3 có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Theo thiết kế, công trình nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2, dài 124 m với 6 làn xe, xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725 m cho 2 làn lưu thông và xây dựng cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái, dài 75 m cho 4 làn lưu thông.
Sở GTVT cũng cho biết sẽ mở rộng các tuyến đường cửa ngõ ở khu cảng này và cảng Phú Hữu (quận 9), gồm các tuyến Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định và Nguyễn Duy Trinh. Riêng phía quận 9, Sở GTVT cũng thực hiện một số giải pháp như mở nhánh rẽ từ đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây xuống đường Đỗ Xuân Hợp nhằm giảm lượng xe dồn về. Ngoài ra, mở thêm 1 làn đường dành cho xe rẽ trái từ tuyến Mai Chí Thọ về đường dẫn cao tốc nêu trên để tăng khả năng thoát xe qua nút giao.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, những động thái giải cứu ùn tắc ở khu vực cảng Cát Lái trên của TP là điều hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm của TP trong việc mở bung cửa ngõ phía Đông, phục vụ lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Bởi thực tế hiện nay, nút giao Mỹ Thủy dù đã đưa vào khai thác hầm chui và cầu vượt nhưng áp lực giao thông hiện chưa giảm nhiều. Thực tế ghi nhận của chúng tôi cũng cho thấy đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy tới cảng Cát Lái, hiện luôn ken đặc xe tải nặng, container... Chưa kể, tuyến đường này hiện cũng "độc đạo" nối tới phà Cát Lái, dẫn đến những dịp lễ - Tết, dòng xe qua đây hầu như chỉ có thể xếp hàng, nhúc nhích. Xung quanh, hàng loạt tuyến đường có kết nối như Đồng Văn Cống, Võ Chí Công..., cảnh kẹt xe cũng thường xuyên xảy ra.
Thêm cảng, thêm tuyến giao thông thủy
Theo Sở GTVT TP, ngoài công trình hạ tầng đường bộ đang gấp rút triển khai thì đường thủy cũng được định hướng tập trung phát triển trong năm 2020, kỳ vọng giảm tải áp lực giao thông dồn lên các tuyến đường xung quanh Cát Lái. Ông Trần Quang Lâm cho biết trong lúc chờ thực hiện dự án quy hoạch mạng lưới cảng, bến và đường thủy trên địa bàn TP đến năm 2030, Sở GTVT trước mắt sẽ gấp rút nghiên cứu, tham mưu UBND TP về xây dựng các đề án, phương án phát triển kết cấu hạ tầng (cảng, bến...) và kinh doanh vận tải đường thủy trên địa bàn TP.
Sở GTVT cho biết đang sớm hoàn thành cảng ICD Long Bình (quận 9) để di dời cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) nhằm giảm kẹt xe trên xa lộ Hà Nội như hiện nay. Mặt khác, sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển ở các khu cảng. Đặc biệt, theo Sở GTVT, đơn vị sẽ tham mưu UBND TP triển khai các phương án khai thác vận tải đường thủy từ TP HCM đi Bình Dương, Tây Ninh, sau khi hoàn thành tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ, bắc qua sông Sài Gòn (nối quận Thủ Đức và Bình Thạnh).
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thành (giám đốc một doanh nghiệp ở Kiên Giang - chuyên ra vào cảng cát Lái xuất nhập hàng) cho rằng hoàn toàn phù hợp bởi để giảm tải cho khu vực Cát Lái, một trong những vấn đề căn cơ là cần điều phối lượng hàng hóa ra vào cảng, "chia lửa" từ đường bộ qua đường thủy. "Nhiều năm qua, một trong những trở ngại lớn là cầu sắt Bình Lợi cũ vốn tĩnh không thấp, làm hạn chế rất nhiều việc lưu thông của tàu thuyền, nhất là những phương tiện có trọng tải cao. Tuy nhiên, hiện cầu Bình Lợi mới đã đưa vào khai thác và chỉ còn chờ tháo dỡ cầu cũ nên sẽ tạo ra nhiều lợi thế để kết nối đường thủy, lưu thông hàng hóa" - ông Thành phân tích.
Ngoài thuận lợi trên, theo lãnh đạo Sở GTVT TP, phía tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu xây dựng cảng Bến Súc, còn tại TP HCM theo quy hoạch logistics của Bộ GTVT, sẽ có một cảng ICD tại huyện Củ Chi, quy mô từ 15 - 20 ha và TP đang tính toán sớm xây dựng. Cảng tại huyện Củ Chi hình thành sẽ là nơi tập trung hàng hóa, phục vụ các khu công nghiệp phía Tây Bắc TP HCM, tỉnh Tây Ninh và giúp vận chuyển thuận lợi cho nhiều tỉnh khác qua TP. "Những dự án đó khi đưa vào khai thác và hệ thống giao thông thủy phát triển, không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế, khối lượng hàng hóa bằng đường thủy mà giảm tải rất lớn cho đường bộ" - lãnh đạo Sở GTVT TP đánh giá.
Hoàn thành 53 dự án trong năm 2020
Theo danh mục các công trình, dự án dự kiến hoàn thành năm 2020 mà Sở GTVT TP HCM công bố, tổng cộng có 53 dự án, công trình, trong đó đáng chú ý là dự án cầu Thủ Thiêm 2 - vốn được kỳ vọng nhiều năm nay.
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 vào trung tâm TP không chỉ tăng kết nối từ khu Đông TP vào trung tâm mà còn tạo đà rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở Thủ Thiêm.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mo-bung-cua-ngo-phia-dong-tp-hcm-20200213220458601.htm