Mở 'cánh cửa mới' ở thành phố thông reo
Chị Tâm chưa từng nghĩ và cũng chưa từng có kinh nghiệm tự mình mở và quản lý, điều hành homestay cho tới khi cơ duyên cho chị được làm quản gia của một homestay mới mở.
Khi rời TPHCM về Đà Lạt 4 năm trước, chị Nguyễn Minh Tâm (đang sinh sống tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chưa biết được ước mơ của mình là gì. Khoảng thời gian đó, chị cứ loay hoay không biết mình là ai, không có định hướng tương lai, không biết làm được điều gì và không biết mình thích cái gì. Cảm xúc tiêu cực của chị tràn ngập với những hành động vô thức, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ăn uống,... Thậm chí, chị đã phải tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ và uống thuốc nhưng không hiệu quả.
Ban đầu, chị dự định dành một năm tạm gác các công việc học tập chính quy, chuyện sách vở... sang một bên để thực hiện những kế hoạch khác nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cũng như ổn định tinh thần ở một nơi yên lành như Đà Lạt.
Một mình âm thầm xách ba lô lên Đà Lạt, không dám nói cho ba mẹ hay người thân vì sợ họ lo lắng, tự mình đặt xe đặt phòng, tự kiếm việc làm để trải nghiệm và thử thách bản thân.
Chị Tâm chưa từng nghĩ và cũng chưa từng có kinh nghiệm tự mình mở và quản lý, điều hành homestay cho tới khi cơ duyên cho chị được làm quản gia của một homestay mới mở. Ở đó, chị học được nhiều và nghiệm ra được nhiều. Chị thấy được khả năng và đam mê của mình với công việc kinh doanh tự chủ. Chị đã quyết tâm mở cho mình "cánh cửa" mới.
Chị nhớ những ngày một mình chạy xe khắp các ngõ ngách Đà Lạt, bị chó sủa rồi dí chạy, bị lạc đường, xe thì hư,… để tìm cho mình một ngôi nhà vừa ý. Chị tìm một ngôi nhà nhỏ có sân vườn, có cây cối nhưng rất khó. Cho tới khi chị chuẩn bị về lại Sài Gòn sau 6 tháng lạc trôi vì thất vọng và chán nản thì cơ hội đã đến. Chị tìm được ngôi nhà hiện tại, nó mục nát nhưng vì quá thích nên chị vẫn quyết định thuê.
Chị sửa nhà khi mùa mưa Đà Lạt bắt đầu. Dọn dẹp cây bụi, dọn rác, xử lý đống gỗ mục, trú mưa trong ngôi nhà mà mái tôn cũ đã thủng dột… Chị tự tìm thợ, rồi tự vẽ ra căn nhà. Từ một cô gái chỉ ngồi văn phòng máy lạnh, mặc đồ đẹp, đi ô tô công ty gặp khách hàng, sau 2 tháng lăn xả sửa nhà, chị đã biết trộn hồ, gắn ống nước, bắn gỗ, nẹp vách… không thua kém nam nhân nào.
Nhà sửa xong thì đến khâu vận hành. Chị đi mượn máy ảnh, tự canh góc, tự mày mò lập fanpage, đăng ảnh nhà mình lên các kênh bán phòng online để nhận khách. Những vị khách đầu tiên ghé thăm homestay đều cảm thấy yêu thích sự đơn giản, bình dị và thân thiện của nhà chị nên dù là đang làm việc bận rộn chị cũng thấy thoải mái và thư giãn hơn nhiều so với thời gian đi làm ở công ty trước đây.
Chị Tâm chia sẻ: "Khi thị trường homestay cạnh tranh ngày càng khốc liệt và mang nhiều điều tiếng, mình tự nhủ phải luôn nâng cấp bản thân, học hỏi mỗi ngày để mình không dậm chân tại chỗ, để nhà mình luôn có trải nghiệm mới cho khách mà vẫn giữ được sự thân quen vốn có". Chị biết nhà mình không hiện đại, tiện nghi, sang trọng, hào nhoáng như những nơi khác nhưng chị tin rằng vẫn sẽ có rất nhiều bạn ngoài kia chỉ mơ về một ngôi nhà nhỏ êm đềm giữa chốn đông người, một nơi đủ bình yên để bản thân được nghỉ ngơi sau thời gian dài vật lộn với cuộc sống bộn bề, nơi mà họ có thể tận hưởng Đà Lạt theo đúng nghĩa của nó.
Những nỗ lực mỗi ngày mang lại niềm vui cho mọi người là thành công của riêng chị, khiến chị rất tự hào và hài lòng.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mo-canh-cua-moi-o-thanh-pho-thong-reo-20230831122334668.htm