Mở cánh cửa tri thức cho trẻ khuyết tật
Hầu hết trẻ khuyết tật dưới 17 tuổi, mang những khiếm khuyết về vận động, thính giác, ngôn ngữ, thị giác, trí tuệ… đến từ các hộ nghèo đa chiều, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Xuất phát từ thực tế này, ngày 31/5, Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 phát động Chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường”.
90% trẻ khuyết tật thiếu điều kiện tiếp cận với giáo dục
Thống kê của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 2.260.000 là trẻ em. Đáng lo ngại là hơn 90% trẻ khuyết tật thiếu điều kiện tiếp cận ít nhất 2 dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hội nhập xã hội và môi trường sống an toàn.
Hầu hết trẻ khuyết tật dưới 17 tuổi, mang những khiếm khuyết về vận động, thính giác, ngôn ngữ, thị giác, trí tuệ… đến từ các hộ nghèo đa chiều, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Họ rất cần sự hỗ trợ từ xã hội để có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, cơ hội học tập và hòa nhập cộng đồng.
Đánh giá về công tác chăm sóc trẻ em là người khuyết tật, ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, năm 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021 ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục với người khuyết tật. Đã có 1,6 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật, điển hình như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 552 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng…Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nên chính sách dù ưu ái vẫn chưa đủ sức chăm sóc đầy đủ trẻ em khuyết tật, nhất là lúc các em ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo. Vì thế trẻ em khuyết tật và gia đình của các em vẫn còn rất nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự chung tay đùm bọc, chở che, chăm sóc của cả xã hội.
Mở cánh cửa tri thức đưa các em đến trường
Theo bà Dương Thị Bích Diệp - Chủ tịch Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực trong nhiều năm qua của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật, thì trẻ em khuyết tật vẫn luôn là những đứa trẻ thiệt thòi nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận giáo dục. Các em phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong cuộc sống hàng ngày và nhiều hình thức phân biệt đối xử, dẫn đến nguy cơ bị tách biệt khỏi xã hội và trường học.
Cũng theo bà Diệp, dù đối mặt với những hạn chế về thể chất, các em vẫn luôn cháy bỏng khát khao học hỏi và chinh phục con đường tri thức. Với trẻ khuyết tật, cơ hội được tiếp cận với tri thức, được đi học còn đáng giá và quan trọng hơn gấp ngàn gấp vạn lần vì đó chính là cánh cửa duy nhất để các em bắt đầu hòa nhập với cuộc sống, để ước mơ và thực hiện ước mơ, để khẳng định bản thân và được cống hiến.
Xuất phát từ thực tế này, chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường” được phát động nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm cả nước chung tay ủng hộ nguồn lực để hiện thực hóa ước mơ đến trường của 1.000 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng và mong muốn đi học thuộc 10 tỉnh biên giới vùng cao: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông hiện thực hóa ước mơ được đi học trong năm học mới 2024 - 2025.
“Đây là chương trình định kì hàng năm và hỗ trợ xuyên suốt, lâu dài cho các em nhỏ khuyết tật là đối tượng thụ hưởng của chương trình từ lúc đi học cho tới lúc chuẩn bị học nghề và tự lực làm kinh tế nuôi bản thân trong tương lai. Năm 2024, mục tiêu của chúng tôi hướng tới 1.000 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại 10 tỉnh biên giới, mỗi em sẽ nhận được phần hỗ trợ trị giá 2 triệu đồng cùng trang thiết bị hỗ trợ nếu có để tiếp sức cho các em trang trải học phí, sinh hoạt phí và đồ dùng học tập của năm học 2024 - 2025” - bà Diệp cho biết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-canh-cua-tri-thuc-cho-tre-khuyet-tat-10282322.html