Mở cao tốc Pháp Vân lên 10 làn xe, thêm áp lực ùn tắc cửa ngõ phía Nam
Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 8 đến 10 làn xe không giải quyết được tình trạng ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.
Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư) vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 437 để mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn hiện nay lên 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân cho hay, đề xuất xuất phát từ việc tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ra quá tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính.
Cụ thể, theo quy mô thiết kế, tuyến đường với quy mô 6 làn xe đáp ứng tối đa lưu lượng khoảng 92.000 PCU (xe quy đổi)/ngày đêm. Tuy nhiên, lưu lượng thực tế trong năm 2020 đã lên tới hơn 100.000 PCU/ngày đêm.
Do vậy, nếu không đầu tư mở rộng, tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông trên tuyến sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là các dịp lễ tết.
Theo ông Phạm Văn Khôi, việc nâng cấp mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn xe lên 8-10 làn là cần thiết và có nhiều thuận lợi như: Tuyến đang khai thác với doanh thu khả thi về phương án tài chính, thuận lợi kế thừa năng lực, bộ máy am hiểu dự án cho công tác chuyên môn và tiến độ thực hiện dự án vừa thi công vừa khai thác.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư BOT sẽ tiến hành nghiên cứu lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện trong khoảng 3 - 5 năm.
Tổng mức đầu tư cho việc mở rộng khoảng 5.000 tỷ đồng, gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Mở rộng chỉ gây áp lực cho cửa ngõ phía Nam
Ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng phải cân nhắc việc mở rộng BOT Pháp Vân lên 8 đến 10 làn xe và lấy ý kiến các nhà quy hoạch giao thông.
“Thực tế cao tốc Pháp Vân đã mãn tải, nếu nhìn vào điều kiện hiện tại thì việc mở rộng có thể là phù hợp. Tuy nhiên, cần nhìn tổng thể quy hoạch phát triển giao thông kết nối với Thủ đô và các tỉnh phía Nam để đánh giá xem nên mở rộng lên 8 đến 10 làn hay tập trung nguồn lực phát triển đường vành đai 3,5, vành đai 4 kết nối với cao tốc”, ông Thanh đặt vấn đề.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên đánh giá, phương án mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 10 làn xe vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô ngày càng tăng cao.
Ông Liên cho hay, đã có nhiều phương án đề xuất để giải quyết ùn tắc trên tuyến đường Pháp Vân, trong đó có việc mở thêm nút giao trên cao tốc này kết nối với đường 70 và đường Tam Trinh đi cầu Thanh Trì để giảm tải “nút thắt cổ chai” cao tốc Pháp Vân - đường vành đai 3.
Thậm chí Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng đề xuất mở đường song song với đường Pháp Vân, nối đường Tam Trinh với cao tốc Pháp Vân tại trạm thu phí hiện nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án nào được lựa chọn.
Theo ông Liên, nếu mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 10 làn xe thậm chí 20 làn thì các phương tiện tập trung về nút giao Pháp Vân - Vành đai 3, càng gây áp lực cho giao thông Hà Nội. Nhìn tổng thể, nó không phù hợp với sự phát triển của một siêu đô thị có hơn 10 triệu dân.
Từ đánh giá trên, ông Liên cho rằng, Nhà nước cần có đánh giá tổng thể, tập trung nguồn lực vào phát triển đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1 để giảm tải phương tiện từ xa, giảm áp lực ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
"Cao tốc Pháp Vân hiện nay chỉ một vụ tai nạn xảy ra đã gây ùn tắc "toàn tập", do vậy không nên dồn tất cả phương tiện vào một tuyến đường mà phải có thêm lựa chọn khác thuận tiện hơn", ông Liên nói.
Một chuyên gia giao thông đánh giá, việc mở rộng cao tốc Pháp Vân lên 8 đến 10 làn theo hình thức đầu tư BOT cơ bản thuận lợi trong việc huy động nguồn lực đầu tư. Nhà đầu tư có thể thu hồi vốn nhanh, Nhà nước cũng không phải đầu tư thêm trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp.
Tuy nhiên, ở góc độ thúc đẩy phát triển tổng thể, thay vì mở rộng thì Nhà nước nên tính đến việc tập trung nguồn lực làm đường vành đai 3,5 và đường vành đai 4 của Hà Nội. Có như vậy mới giải tỏa được phương tiện dồn về cửa ngõ Pháp Vân từ xa, đồng thời tạo điều kiện phát triển vùng, giảm áp lực cho giao thông toàn TP.