Mở 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Donbass, Tổng thống Putin khẳng định chỉ mang tính chất 'phòng thủ'

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, chiến dịch này nhằm bảo vệ người dân tại hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, miền Đông Ukraine, mà ông đã tuyên bố chính thức công nhận độc lập hôm 21/2 vừa qua. Ông khẳng định, hành động này không có nghĩa là chiếm đóng Ukraine mà mang tính chất phòng thủ, đồng thời bác bỏ bất kỳ kế hoạch tấn công nào.

Tổng thống Putin tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Donbass

Sáng 24/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị quân đội thực hiện một "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, TASS đưa tin.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, chiến dịch này nhằm bảo vệ người dân tại hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, miền Đông Ukraine, mà ông đã tuyên bố chính thức công nhận độc lập hôm 21/2 vừa qua. Ông khẳng định, hành động này không có nghĩa là chiếm đóng Ukraine mà mang tính chất phòng thủ, đồng thời bác bỏ bất kỳ kế hoạch tấn công nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

“Các tình huống đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện hành động dứt khoát và ngay lập tức. Theo Điều 51, phần 7 của Hiến chương Liên hợp quốc... và tuân theo các hiệp ước hữu nghị đã được Quốc hội phê chuẩn cũng như sự hỗ trợ lẫn nhau với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, tôi quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt”, TASS dẫn tuyên bố của Tổng thống Putin.

Tổng thống Putin cũng lưu ý, giao tranh giữa các binh sĩ Nga và Ukraine là điều “không thể tránh khỏi”. Do đó, ông kêu gọi các quân nhân Ukraine “bỏ vũ khí và về nhà”; khẳng định những người Ukraine rời khỏi cuộc xung đột sẽ có thể trở về gia đình một cách an toàn.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhắc lại cam kết rằng, Moscow không có kế hoạch xâm lược Ukraine và quân đội Nga đang thực hiện các biện pháp nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine.

Ngay sau khi Tổng thống Putin ra lệnh thực hiện “chiến dịch đặc biệt” ở vùng Donbass, các phương tiện truyền thông cho biết, một số vụ nổ đã xảy ra ở Kramatorsk, Ukraine.

Các động thái trên được đưa ra sau khi Điện Kremlin cho biết, những người đứng đầu hai vùng ly khai tại miền Đông Ukraine đã đề nghị Tổng thống Putin “giúp đỡ” trong việc “đẩy lùi hành động gây hấn” từ phía quân đội Ukraine.

Trong khi đó, Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết, vào khoảng 5h sáng 24/2 (giờ địa phương), nước này “đã bị tấn công” từ Nga và Belarus. Một cuộc tấn công khác cũng đang được tiến hành từ bán đảo Crimea.

Các cuộc tấn công được tiến hành bằng pháo, các khí tài quân sự và vũ khí nhỏ khác nhằm vào các đơn vị biên phòng và các trạm kiểm soát ở các vùng Luhansk, Sumy, Kharkiv, Chernihiv và Zhytomyr của Ukraine.

Một phóng viên của AFP cho biết, còi báo động không kích đã vang lên ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Hiện chưa có âm thanh hay dấu hiệu nào của một vụ tấn công.

Thành phố Lviv đã trở thành địa điểm tạm thời của một số đại sứ quán các nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh. Các nước này đã sơ tán nhân viên ngoại giao từ thủ đô Kiev tới đây vài ngày trước khi Nga tấn công Ukraine.

Ukraine ban hành tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, bổ sung đáng kể chi tiêu quốc phòng

Về phía Ukraine, trong một thông điệp được đăng tải trên trang Facebook, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi toàn quốc, kêu gọi người dân không hoảng loạn, đồng thời cam kết sẽ "giành chiến thắng".

Đồng thời, nhà lãnh đạo Ukraine thông báo đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden để thảo luận tình hình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trên truyền hình cuối ngày 23/2

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 24/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, sẽ không có kịch bản nào xảy ra với việc chính quyền Mỹ triển khai quân đến Ukraine để chống lại Nga.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, bà Jen Psaki nêu rõ: “Tôi không biết phải lặp lại điều này bao nhiêu lần: không có kịch bản nào mà Tổng thống (Joe Biden) gửi quân đội Mỹ đến Ukraine để chống lại Nga”.

Người phát ngôn Nhà Trắng nhấn mạnh, ông Biden sẽ không thay đổi quyết định này trong bất kỳ hoàn cảnh nào. "Chúng tôi sẽ không chiến đấu với Nga và chúng tôi sẽ không triển khai quân đội ở Ukraine để chống lại Nga", bà Psaki khẳng định.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng mục đích của chiến dịch quân sự do Nga tiến hành là “phá hoại” nhà nước Ukraine.

Trước đó, theo trang tin ukrinform.net, Quốc hội Ukraine ngày 23/2 đã thông qua luật tăng thu và chi của ngân sách nhà nước năm 2022 thêm 26,5 tỷ UAH (gần 1 tỷ USD). Trong số này, 16 tỷ UAH được phân bổ cho Bộ Quốc phòng để tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine.

Ngoài 16 tỷ UAH cho Bộ Quốc phòng, Quốc hội Ukraine cũng đồng ý chi 6 tỷ UAH cho Bộ Nội vụ và 587 triệu UAH cho Cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, 500 triệu UAH được cấp cho Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời để đảm bảo cung cấp nước bền vững ở vùng Donetsk và 200 triệu UAH để khắc phục hậu quả của leo thang bạo lực ở các vùng Donetsk và Luhansk.

Ngoài ra, 3 tỷ UAH đã được phân bổ cho Bộ Tài chính để giải quyết nợ công. Nguồn bù đắp chi ngân sách sẽ đến từ nguồn thu bổ sung từ thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu của Ukraine, cũng như từ sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/2, theo thông báo gửi tới các phi công, Nga đã đóng cửa một phần không phận trong vùng thông báo bay Rostov ở phía Đông biên giới với Ukraine “để đảm bảo an toàn” cho các chuyến bay dân sự.

Vùng không phận bị đóng cửa bao gồm các khu vực của Nga giáp với miền Đông và Đông Nam Ukraine, nơi có các nước khu vực ly khai mà Moscow mới công nhận độc lập là Luhansk và Donetsk.

Không phận sẽ đóng cửa cho đến ngày 18/5.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga với phương Tây và Kiev liên quan tình hình Ukraine.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/mo-chien-dich-quan-su-dac-biet-o-donbass-tong-thong-putin-khang-dinh-chi-mang-tinh-chat-phong-thu-203969.html