Mở chiến dịch Ukraine, Nga 'bỏ quên chìa khóa ở nhà': Thứ uy lực này biến đâu rồi?
Một trong những vũ khí làm thay đổi cục diện cuộc chiến đã được Nga để ở nhà thay vì mang tới chiến dịch ở Ukraine.
Tăng T-14 của Nga ở đâu?
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của quân đội Nga từ lâu đã được coi là vũ khí có khả năng định đoạt cuộc chiến. Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tháng 5/2015 ở Moscow, năng lực tiên tiến của xe tăng này đã được ca ngợi.
Tuy nhiên, T-14 đã vắng mặt trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - nơi mà sự có mặt của chúng được cho là rất cần thiết, theo trang phân tích quân sự 1945.
Chương trình phát triển Armata bắt đầu được tiến hành vào năm 2010 khi Bộ Quốc phòng Nga kết thúc dự án "Object-195" - chương trình xe tăng T-95 - vốn không mang nhiều tính cách mạng.
Thay vào đó, dự án Armata mới được coi là một bước nhảy vọt về công nghệ so với các thiết kế khí tài quân sự thời Liên Xô. Chương trình Armata ngay từ đầu đã khác biệt rất nhiều so với các mẫu xe tăng của Liên Xô/Nga trước đây.
Đường nét của xe tăng, từ thân xe đến tháp pháo đều giống với thiết kế xe tăng của phương Tây. Nó có tháp pháo không người lái, với pháo chính nòng trơn 125mm 2A82-1M được điều khiển từ xa với khả năng nạp đạn tự động hoàn toàn.
Tháp pháo có thể chứa 45 viên đạn cùng khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser. Ngoài ra, pháo 2A82 125mm còn được thiết kế để nâng cấp thành pháo 2A83 152mm. T-14 còn được trang bị vũ khí phụ bao gồm súng máy Kord 12,7mm hoặc súng máy PKTM 7,62mm.
Phần mái của tháp pháo T-14 cũng được tích hợp cột khí tượng, liên lạc vệ tinh, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GLONASS), ăng ten liên kết dữ liệu và liên lạc vô tuyến.
Thiết kế dáng thấp của Armata cũng tối ưu cho việc bảo vệ tổ lái ba người, giảm khả năng bị hỏa lực của đối phương bắn trúng.
Không những vậy, chỉ huy, lái xe và pháo thủ được bao bọc bởi khoang lái kiên cố ở phần trước thân, được làm từ vật liệu composite và được bảo vệ bằng giáp nhiều lớp, có thể chịu đòn trực tiếp của gần như bất kỳ loại đạn nào hiện nay.
Xe tăng cũng được trang bị một hệ thống phòng thủ chủ động, giáp phản ứng nổ, bảo vệ trước các loại vũ khí chống tăng.
Vì sao T-14 không xuất hiện ở Ukraine?
Với những tính năng tiên tiến trên, rõ ràng sự thiếu vắng T-14 trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã giảm bớt phần nào hiệu quả tác chiến của quân đội Nga.
Theo các chuyên gia, việc T-14 không xuất hiện ở Ukraine đơn giản là vì Moscow không có đủ lực lượng để triển khai tới đây.
Nhà thầu quốc phòng Nga Uralvagonzavod lần đầu tiên công bố T-14 sẽ được giao vào năm 2018. Sau đó, quá trình chuyển giao 9 xe tăng đầu tiên sẽ đến vào năm 2019.
Sau ngày này, ban lãnh đạo cho biết 20 chiếc sẽ được thử nghiệm và 80 chiếc sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021.
Năm ngoái, Moscow đã thông báo T-15 Armata sẽ được sản xuất hàng loạt trong năm nay, nhưng có vẻ như những mẫu tăng chủ lực tiên tiến mới sẽ không sẵn sàng sớm nhất là sang năm sau.
Hiện tại, Nga không có đủ số lượng xe tăng để sử dụng một cách hiệu quả. Có rất ít lý do để triển khai số lượng chỉ một vài chiếc T-14 đến Ukraine dù chúng nhanh hơn và có năng lực cao hơn các loại xe tăng cũ hiện tại.
Việc triển khai vũ khí tối tân nhất kết hợp với các xe tăng đời cũ của Nga được cho là sẽ chỉ khiến T-14 gặp nguy hiểm.
Theo trang phân tích 1945, Moscow dường như cũng không cho rằng sẽ có sự chống cự mạnh mẽ ở Ukraine, do đó họ có ít lý do để mạo hiểm với "những món đồ chơi" mới trong chiến dịch của mình.
Đây có thể coi là suy nghĩ đúng đắn, vì mỗi chiếc T-14 có giá hơn 3,7 triệu USD, gần gấp 20 lần giá một tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất, khoảng 175.000 USD.
Người Ukraine đã chứng minh được tính hiệu quả trong sử dụng các vũ khí chống tăng như Javelin và NLAW do Anh sản xuất để đạt được thành công lớn.
Hiện tại, thiệt hại tài chính đối với Nga do áp lực từ các lệnh trừng phạt có thể lớn hơn nhiều so với thiệt hại vật chất đối với Ukraine.
Với suy nghĩ đó, việc triển khai T-14 không đáng để mạo hiểm tiền bạc, cũng như không đáng để mạo hiểm về danh tiếng đối với mẫu xe tăng vẫn còn chưa được kiểm chứng trên thực địa.
Khi một xe tăng Nga được cho là bị phá hủy ở Syria , truyền thông phương Tây đã ngay lập tức đưa tin mổ xẻ. Chỉ cần không triển khai T-14, nó vẫn sẽ là một bí ẩn; một vũ khí mạnh mẽ tiềm tàng mà phương Tây phải lo sợ.
Còn nếu trong trường hợp người Ukraine phá hủy dù chỉ một hoặc hai chiếc, hình tượng của xe tăng này sẽ bị tổn hại đáng kể. Vì vậy, Điện Kremlin đang đảm bảo điều đó không xảy ra.