Mở chợ trái phiếu, tìm thêm lối ra
Quý II và quý III/2023 được coi là giai đoạn thách thức với nhiều nhà phát hành trái phiếu khi giá trị đáo hạn lần lượt khoảng 76.500 tỷ đồng, tăng 120% và 83.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau giai đoạn này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giảm dần về mức 61.000 tỷ đồng, tăng 14% trong quý IV/2023.
Dù vậy, với điểm tựa từ Nghị định 08/2023/NĐ-CP, cho phép các tổ chức phát hành thỏa thuận gia hạn thời điểm đáo hạn, phong trào khất lãi, khất nợ trái phiếu đang nở rộ trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp trước đây quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, bán tài sản để thực hiện nghĩa vụ với các trái chủ, nay đã trông vào Nghị định như một cơ sở pháp lý để giãn, hoãn thực hiện trách nhiệm của mình. Một số tổ chức phát hành cũng không mặn mà trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác, ngược lại còn đưa ra các điều kiện hoán đổi bất lợi để chèn ép trái chủ nếu họ muốn hoán đổi trái phiếu sang tài sản.
Cuộc sống và công việc kinh doanh của hàng nghìn nhà đầu tư bị đảo lộn khi dòng tiền từ kênh đầu tư này tiếp tục đứt gãy. Bức tranh thị trường trái phiếu do đó vẫn hằn sâu nhiều vết thương khiến niềm tin của nhà đầu tư tổ chức và cá nhân chưa thể trở lại, kênh huy động vốn này hiển nhiên vẫn rất khó khăn.
Trong bối cảnh như vậy, việc thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sắp được khai trương tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, được coi như một lối ra cho nhiều thành viên thị trường. Có chợ, người mua, kẻ bán có thể gặp nhau, hàng hóa vào chợ dẫu sao cũng qua cửa kiểm soát để nhà đầu tư có thể yên tâm phần nào.
Một số ý kiến dự đoán giá trị giao dịch mỗi ngày của chợ trái phiếu có thể tới cả nghìn tỷ đồng, song cũng có nhiều thành viên thị trường cho rằng, chợ mở cho có vì đặc thù của kênh trái phiếu khác hoàn toàn so với cổ phiếu.
Thực tế thị trường sẽ trả lời, nhưng nỗ lực của các bên liên quan để góp phần gỡ bớt các điểm nghẽn của thị trường là điều đáng ghi nhận. Đây cũng là chủ đề được cắt nghĩa và phân tích sâu trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo này.
Tất nhiên, điều cốt yếu để chữa lành những vết thương trên thị trường trái phiếu vẫn nằm ở việc quyền lợi của nhà đầu tư phải được đảm bảo. Điều này ở một góc độ khác đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt hơn, đơn cử như việc gỡ vướng pháp lý dự án cho các doanh nghiệp bất động sản, một trong những nhóm đang mắc nợ trái phiếu lớn nhất trên thị trường, để từ đó họ có thể tiếp cận vốn tín dụng, M&A dự án... nhằm có dòng tiền mới.
Trong một thông điệp phát đi hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023 ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế thị trường vẫn có vô vàn các trường hợp, câu chuyện khiến cho nợ xấu trái phiếu ngày càng phình to và trở thành cục máu đông ngáng trở nền kinh tế. Gỡ dần điểm nghẽn này, mới có thể kỳ vọng về một sự phát triển bền vững cho thị trường.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/mo-cho-trai-phieu-tim-them-loi-ra-post324552.html