Mở Cổng công khai Y tế: Giá thuốc vẫn mù mờ
Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng thuốc lớn vẫn còn tình trạng giá công khai một đằng- giá bán thực tế một nẻo dù cổng công khai y tế đã đi vào hoạt động được 4 ngày.
Niêm yết một đằng – giá bán một nẻo
Từ ngày 20/11, cổng công khai y tế đã chính thức được mở nhằm tra cứu thông tin giá cả thiết bị, thuốc - mỹ phẩm, chi phí dịch vụ… của ngành Y tế thông qua địa chỉ congkhaiyte.moh.gov.vn. Đây được coi là nỗ lực lớn của ngành Y tế nhằm công khai, minh bạch giá trang thiết bị, thuốc bán trên thị trường, đồng thời giúp người dân tham gia giám sát giá cả các mặt hàng ngành y tế.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, trong 3 ngày kể từ khi cổng công khai y tế mở cửa, tại nhiều cửa hàng thuốc lớn tại Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng giá công khai một đằng – giá bán thực tế một nẻo.
Khảo sát giá thuốc tại 1 cửa hàng trong hệ thống nhà thuốc Pharmacity.
Cụ thể, trong 2.999 loại thuốc kê khai giá bán lẻ, rất nhiều loại thuốc được người dân thường xuyên sử dụng có giá chênh lệch với giá bán công khai trên cổng thông tin. Ví dụ rõ ràng nhất là sản phẩm thuốc Efferalgan 500mg có tác dụng giảm đau, hạ sốt dạng sủi được công khai giá bán lẻ là 2.026 đồng/viên. Tuy nhiên, giá của nó khi được bán tại hệ thống Nhà thuốc 365 lên đến 3.000 đồng/ viên. Tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity, giá của 1 vỉ 4 viên là 11.000 đồng, tương đương 2.750 đồng/ viên.
Thậm chí, tại một số cửa hàng thuốc bán lẻ trên đường Trần Thái Tông, mức giá người dân trả cho một viên thuốc này còn lên đến 3.500/viên, đắt hơn gần gấp hai lần so với giá công khai bán lẻ.
Tương tự, sản phẩm Panadol Extra 500mg dạng viên nén tại một cửa hàng thuốc lớn trên đường Láng Hạ có giá 15.000 đồng/1 vỉ 12 viên. Tại Nhà thuốc Pharmacity và Mega3 có giá 14.000 đồng/vỉ, giá bán cho cả hộp 180 viên là 210.000 đồng, tương đương 1.167 đồng/1 viên. Trong khi, giá niêm yết cho sản phẩm này là 1108 đồng/1 viên. Nghĩa là nếu mua cả một hộp 180 viên, người dùng phải chịu mua với giá cao hơn 10.000 đồng.
Một sản phẩm thông dụng khác là thuốc Tiffy Dey dạng viên nén 1 vỉ 4 viên đang được bày bán phổ biến tại các hiệu thuốc với tác dụng trị cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu và sốt. Tại các nhà thuốc Pharmacity, Mega3 sản phẩm này đều có giá 5000 đồng/vỉ, tương đương 1.250 đồng/viên, trong khi giá niêm yết chỉ có 1.080 đồng/viên.
Hay sản phẩm Yumangel F có giá niêm yết 6.300 đồng/1 gói 15ml. Tuy nhiên, giá bán của nó tại Nhà thuốc Pharmacity lên đến 140.000 đồng/ hộp, tức 7.000 đồng/gói. Người mua phải trả cao hơn giá niêm yết lên tới 14.000 đồng.
Qua khảo sát có thể thấy, giá bán ở một số nhà thuốc hầu như đều cao hơn so với giá niêm yết trên cổng công khai y tế của Bộ Y tế.
Xử lí nghiêm những trường hợp tự nâng giá bán thuốc
Điều đáng nói là rất nhiều người dân chưa tiếp cận đến cổng công khai giá dịch vụ của ngành Y tế, hoặc có thì cũng "nhắm mắt" cho qua.
Bà Trần Thị Nghĩa (62 tuổi, phường Mỹ Đình 1 – Hà Nội) chia sẻ: “Từ lâu nay đến giờ mua thuốc ở đây người ta bảo giá bao nhiêu thì mình biết vậy chứ nào có biết tra cứu giá thuốc ở đâu”.
Còn chị Nguyễn Mai Hương (24 tuổi, phường Láng Hạ - Hà Nội) cho biết: Dù đã biết đến cổng công khai y tế nhưng cảm thấy mình mua thuốc ít, giá cũng không chênh nhiều, chỉ từ vài ngàn đồng cho đến vài chục ngàn nên không thắc mắc.
Chia sẻ với báo giới gần đây, ông Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục Quản lí Dược cho biết, ngoài việc sẽ tiếp tục công khai toàn bộ thuốc bán lẻ trên 61.000 cơ sở bản lẻ lộ trình đến hết quý I năm 2021, phía Cục Quản lí Dược cũng sẽ đẩy mạnh xử lí nghiêm các cơ sở vi phạm về giá bán thuốc. Cùng với đó tuyên truyền cho người dân, các sơ sở hành nghề các biện pháp công khai minh bạch.
Được biết, thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã đưa vào Nghị định 117 những quy định xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, hứa hẹn ngành dược sẽ có những bước tiến mới để cung ứng dịch vụ đến người dân tốt hơn trong thời gian sắp tới.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mo-cong-cong-khai-y-te-gia-thuoc-van-mu-mo-524770.html