Mở cửa di tích, thêm hy vọng giữa 'điểm nóng' corona

Du khách lẫn các ban quản lý di tích không còn phải hoang mang thêm, bởi Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chính thức thông báo các di tích, danh lam-thắng cảnh hoạt động đón khách bình thường. Đây là việc làm cần thiết góp phần thúc đẩy du lịch vượt khó.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đón khách trở lại từ sáng 6/2 Ảnh: NT

Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đón khách trở lại từ sáng 6/2 Ảnh: NT

Thủ tướng khẳng định các di tích, danh lam-thắng cảnh hoạt động đón khách bình thường. Trong công điện số 463 do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy ký ngày 6/2, lãnh đạo Bộ cũng nêu: “Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh”.

Trước công điện này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao đổi với PV Tiền Phong rằng, các di tích và danh lam thắng cảnh vẫn duy trì hoạt động, Bộ VHTT&DL chỉ khuyến cáo ngừng tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại các điểm này.

Trong bối cảnh du lịch khá điêu đứng vì lượng khách sụt giảm trầm trọng, quyết định này khiến nhiều địa phương, doanh nghiệp lữ hành thở phào. Trước đó việc một số di tích, danh thắng đóng cửa khiến những người làm du lịch và du khách lo lắng. Sáng 6/2, một nhóm khách châu Âu phản ánh với Tiền Phong rằng, họ có mặt tại Cát Bà nhưng không thể lên thuyền ra đảo vì “lệnh cấm”. Tuy nhiên sau đó, khách được thông báo điểm đón khách mở cửa trở lại từ chiều 6/2.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một trong những di tích lớn của Hà Nội tạm đóng cửa, sau đó di tích được phun khử trùng và vệ sinh sạch sẽ để đón khách. Chiều tối 6/2, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu đón khoảng 2,5 nghìn khách trong ngày 6/2. “Khách du lịch khá vui vẻ, hồ hởi. Chúng tôi có bàn phát khẩu trang miễn phí cho du khách.

Theo khuyến cáo từ Bộ Y Tế, chúng tôi tăng cường vệ sinh trong khu di tích, trang bị đầy đủ nước rửa tay và hướng dẫn khách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa”, ông Kiêu nói.

Khách trở về chùa Hương tham quan vãn cảnh cũng có dấu hiệu khởi sắc. So với 6 nghìn khách hôm 4/2, khách đến Hương Sơn có ngày lên tới cả vạn. Lượng khách này vẫn “lọt thỏm” trong không gian mênh mông của Hương Sơn, tuy nhiên cũng mang lại hy vọng cho bà con nhân dân kinh doanh dịch vụ thuyền đò, bán hàng ở đây. “So với cùng kỳ đầu năm, lượng khách giảm khoảng 40%, tuy nhiên chúng tôi mong duy trì lượng khách như bây giờ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả”, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích-thắng cảnh Hương Sơn nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định Đà Nẵng vẫn là điểm đón khách an toàn, chưa trường hợp nào dương tính với virus Corona, chưa có trường hợp lây nhiễm ra cộng đồng. Đà Nẵng nâng cao các hoạt động phục vụ khách, phát khẩu trang và nước rửa tay cho khách nên khách cảm thấy thoải mái khi đến Đà Nẵng, ông Dũng nói.

Khánh Hòa cũng đón gần 1 nghìn khách từ tàu biển du lịch quốc tế Sapphire Princess xuất phát từ Malaysia đến Nha Trang. Do một số điểm tham quan như tháp bà Ponagar, Hòn Chồng, nhà thờ đá tạm ngưng đón khách nên các khách quốc tịch Anh được bổ sung tua tham quan thành phố, đi chợ mua sắm để thay thế. Không đón khách từ vùng có dịch, tuy nhiên ngành du lịch khuyến khích đón khách từ vùng không có dịch bệnh để đảm bảo bù đắp lượng khách Trung Quốc sụt giảm.

Chiều 6/2, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Du lịch, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để đưa ra giải pháp và kiến nghị cấp thiết cho ngành. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch dự báo, thiệt hại ước tính trong ba tháng tới có thể lên tới 7,7 tỷ USD.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho biết, tạm thời chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng du lịch năm nay, ngành nỗ lực đề xuất các giải pháp ưu đãi cho hàng không, hãng du lịch và tăng cường xúc tiến đón khách nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện đón khách an toàn.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/mo-cua-di-tich-them-hy-vong-giua-diem-nong-corona-1516843.tpo