Mở cửa du lịch để nối lại giao thương quốc tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam không chỉ mở cửa lại du lịch, mà bản chất là chính thức mở lại giao lưu và giao thương quốc tế như trước khi có dịch Covid-19
Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng 94 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành, các hiệp hội, doanh nghiệp khách sạn, du lịch, các hãng hàng không đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tối 15-3. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cần chính sách nhất quán
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, cho rằng quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15-3 là rất quan trọng, đúng thời điểm.
Còn ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), khẳng định Bộ Ngoại giao đang tích cực đàm phán với các nước về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc-xin. Hiện Việt Nam đã công nhận "hộ chiếu vắc-xin" của 79 nước, và đã có 16 nước công nhận "hộ chiếu vắc-xin" của Việt Nam. "Ngày 15-3, Chính phủ ban hành nghị quyết phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước. Còn việc phục hồi chính sách miễn thị thực song phương khi được thông qua, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo rộng rãi" - ông Quảng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng lưu ý: "Thị thực không phải là yếu tố quyết định để phục hồi du lịch, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng ngành du lịch, nhân sự, tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch đến Việt Nam…" - ông Quảng nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, để mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả, còn nhiều điều cần bàn. Chúng ta chủ trương mở cửa du lịch nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về xuất nhập cảnh, phòng chống dịch bệnh. Đến ngày 15-3, Đại sứ quán chưa thể cấp visa cho du khách theo hướng dẫn mới. Ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, cũng cho rằng các hướng dẫn về mở cửa của ta ra còn quá chậm, đặc biệt chưa có hướng dẫn về mặt y tế. "Sáng nay một số khách Singapore đến sân bay phải quay về do hướng dẫn chậm, điều này gây ra sự thất vọng" - Đại sứ Mai Phước Dũng nêu thực tế.
Với thị trường Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, góp ý Bộ Ngoại giao và Tổng cục Du lịch nên có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.
Thời điểm vàng
Lạc quan về triển vọng phục hồi du lịch, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhận định đây là thời điểm vàng. Từ nay đến cuối năm 2022, Quảng Ninh tổ chức 15 chuỗi sự kiện, đặt mục tiêu thu hút 10 triệu khách du lịch, đưa Quảng Ninh trở lại thành trung tâm du lịch quốc gia. Bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng Ban Tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines, cho biết để thu hút khách quốc tế, Vietnam Airlines đang áp dụng chính sách khách đến Việt Nam được áp dụng đổi vé linh hoạt. Bà Nguyệt cũng đề xuất trong 1-2 tuần tới nên có văn bản rõ ràng về mở cửa lâu dài, bỏ quy định cách ly và đơn giản hóa quy định về xét nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, góp ý: "Du lịch Việt Nam cần có thông điệp ngay trong ngày 15-3 về mở cửa toàn diện. Chúng ta cần nhấn mạnh một Việt Nam có sự thống nhất trong toàn quốc để đối tác hiểu và mang lại hiệu ứng tích cực. Chúng ta cạnh tranh điểm đến, cần đi trước đón đầu và khẳng định đã thực hiện mở cửa".
Lắng nghe phát biểu của các bên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam không chỉ mở cửa lại du lịch, mà bản chất là chính thức mở lại giao lưu và giao thương quốc tế như trước khi có dịch Covid-19, kèm theo một số giải pháp trên tinh thần quản lý, kiểm soát rủi ro. Trong đó, đặc biệt đã khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước khi có dịch. Do vậy, cần xác định không phải mở cửa là sẽ đầy khách ngay mà quá trình phục hồi phải tính bằng nhiều tháng.
Theo Phó Thủ tướng, cần sớm có văn bản hướng dẫn cho khách nhập cảnh; đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL tiếp tục hợp tác và có các hoạt động, chương trình thiết thực triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả. "Chúng ta cần chú trọng vào chất lượng, có thể không nhiều hoạt động nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, khai thác được vai trò của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Đề nghị các đại sứ tích cực đấu nối với các cơ quan, doanh nghiệp nước bạn để mở cửa lại cho tốt" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt khẳng định sẽ làm việc với Bộ Y tế để sớm có hướng dẫn cụ thể hoạt động mở cửa đối với cả khách nội địa và quốc tế. Bộ VH-TT-DL cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả…
Quảng bá du lịch Tuyên Quang qua lễ hội khinh khí cầu
* Huế đón đoàn khách du lịch lớn nhất từ trước đến nay
Ngày 15-3, tại TP HCM, Hiệp hội Khinh khí cầu quốc tế cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang tổ chức họp báo công bố thông tin về lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ nhất, với sự đồng hành của hãng hàng không Vietjet. Lễ hội dự kiến diễn ra từ ngày 30-3 đến 3-4-2022, quy tụ 20 khinh khí cầu từ các quốc gia trên thế giới. Khinh khí cầu Vietjet sẽ đại diện Việt Nam tại lễ hội lần này.
Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết lễ hội nằm trong chuỗi các hoạt động của "Năm du lịch Tuyên Quang 2022", với mong muốn thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với địa phương.
Cùng ngày, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đón đoàn 500 khách du lịch của Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Việt (Viettours) đến tham quan Hoàng cung Huế. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, kỳ vọng việc tổ chức đón khách lớn này sẽ tạo ra bước ngoặt mới để phát triển loại hình team building, MICE, charter nguyên chuyến đến Huế.