Mở cửa du lịch để tạo đà cho lộ trình phục hồi kinh tế
Với chiến lược mở cửa bầu trời sớm để tạo tiền đề cơ bản và quan trọng cho mở cửa du lịch vào giữa tháng 3. Từng bước nhịp nhàng, nền kinh tế đang được 'lên dây cót' cho lộ trình phục hồi bứt tốc.
Quyết tâm phục hồi với quyết sách dồn dập
Trong 2 tháng đầu năm 2022 quyết tâm không để lỡ nhịp phục hồi, Chính phủ dồn dập ban hành hàng loạt quyết sách quan trọng. Nổi bật trong đó là Nghị quyết 11/NĐ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quyết định 167/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 và mới đây nhất là kết luận từ Văn phòng Chính phủ chốt mở cửa du lịch từ 15/3/2022.
Kết luận của Chính phủ cho thấy, du khách quốc tế đến Việt Nam kể từ ngày 15/3 chỉ cần đáp ứng các quy định của Bộ Y tế liên quan đến tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng như xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 (trong vòng 24 giờ với phương pháp xét nghiệm nhanh và 72 giờ với phương pháp xét nghiệm RT-PCR) trước khi lên máy bay. Như vậy, cơ hội phục hồi du lịch đã ở ngay trước mắt.
Trước đó, từ 0h ngày 15/2/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế với hoạt động vận chuyển hành khách trên mọi chuyến bay quốc tế thường lệ và không thường lệ. Theo Cục Hàng không, hiện nay trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường bay quốc tế đều đã đồng ý nối lại các chuyến bay thường lệ.
kinh tế.
Từ tháng 2, mở cửa bầu trời là tiền đề cơ bản và quan trọng cho mở cửa hoàn toàn du lịch vào giữa tháng 3. Từng bước nhịp nhàng, nền kinh tế đang được “lên dây cót” cho lộ trình phục hồi bứt tốc mà mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới tầm nhìn dài hạn trở thành quốc gia thu nhập cao, phồn vinh và hùng cường vào năm 2045.
Những bước đi này đã được căn cứ trên sự bàn thảo, svào cuộc của nhiều cơ quan. Trước khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3, Bộ đã có hàng loạt phiên thảo luận với các cơ quan liên quan và đại diện doanh nghiệp. Kết quả bàn thảo là sự nhất trí cao rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiền đề để mở cửa an toàn.
Tiền đề quan trọng nhất là tỷ lệ bao phủ vaccine thuộc top cao nhất thế giới và chiến dịch tiêm chủng mùa xuân vẫn đang tiến triển mạnh mẽ. Tính đến ngày 13/2/2022, cả nước đã tiến hành tiêm hơn 186,6 triệu liều vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, chúng ta còn có kinh nghiệm điều trị Covid-19 sau 2 năm chiến đấu với dịch và kinh nghiệm đón khách nước ngoài thí điểm tại một số địa phương cho thấy tính khả thi, độ an toàn cao.
Trên khắp cả nước, các khu du lịch kín đặc khách trong dịp Tết Nhâm Dần và những ngày đầu xuân cũng chứng minh khả năng phục hồi an toàn, mạnh mẽ của ngành du lịch. Số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn tiếp tục tăng trên cả nước nhưng công tác cách ly, xét nghiệm và điều trị hiện tại được hệ thống y tế và toàn dân thực hiện nhịp nhàng, số ca triệu chứng nặng chiếm tỷ lệ không lớn.
Những thực tế đó là gì, nếu không phải là cơ sở vững chắc cho mở cửa bầu trời, mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội?
“Chúng ta phải đi bằng hai chân: Phục hồi cả du lịch nội địa và quốc tế. Du lịch nội địa có những lúc là cứu cánh làm ấm lại thị trường, nhưng phải mở cửa quốc tế mới phát triển nhanh được”.
Cần nhớ rằng trước đại dịch, du lịch là ngành đóng góp khoảng 10% vào tổng quy mô GDP của nền kinh tế. Muốn phục hồi kinh tế, bằng mọi giá phải sớm mở cửa du lịch quốc tế, không thể chờ đợi thêm.
Động thái mở cửa du lịch được các Hiệp hội doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao
Tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 24, chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra sáng 21/2 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đánh giá cao tính đúng đắn của Kết luận mở cửa du lịch từ 15/3/2022.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Một loạt chuyển động chính sách quan trọng đã diễn ra trên thực tế trong những tháng đầu năm như giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%, mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022…”.
"Cộng đồng doanh nghiệp trong nước ủng hộ và thống nhất cao các trọng tâm điều hành chính sách của Chính phủ trong năm 2022”.
Chủ tịch Eurocham Alain Cany, đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng nhận định, chiến dịch tiêm phủ vaccine nhanh chóng, đầy quyết tâm của Chính phủ là tiền đề cho sự mở cửa đất nước.
Ông Eurocham chia sẻ quan điểm mở cửa du lịch an toàn, đã bày tỏ sự vui mừng trước chỉ thị 01/CT-TTg ngày 8/2 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố lộ trình mở cửa trở lại ngành du lịch.
“Chúng tôi khuyến khích Chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc tái mở cửa để Việt Nam phát huy hết tiềm năng với tư cách là một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực du lịch… Việt Nam đang ở một vị thế mạnh mẽ nhất để phát triển thịnh vượng trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19”.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn VBF, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng khẳng định rất ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài trong tháng 3 và công bố lộ trình mở cửa hoàn toàn ngành du lịch.
Ông Kent Atkinson, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Tư vấn Du lịch (TAB) khuyến nghị Chính phủ lập kế hoạch marketing và quảng bá tổng thể cho 24-36 tháng để chủ động phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vị này đề xuất tập trung nỗ lực quảng bá vào các thị trường mục tiêu với số lượng khách cao và ổn định, có xu hướng lưu trú trong một thời gian dài, ghé thăm thường xuyên và chi tiêu nhiều hơn khi đi du lịch tại Việt Nam.
Mở cửa du lịch là tiền đề đã sẵn sàng, sự đồng tình toàn dân và bạn bè quốc tế đã có, ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự phục hồi bứt tốc như hổ của du lịch Việt Nam trong năm 2022 này.