Mở cửa lại trường học là yêu cầu cấp thiết

Tại Phiên giải trình về 'Tình hình tổ chức triển khai dạy và học trong bối cảnh Covid-19', Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, sớm mở cửa lại trường học là một yêu cầu cấp thiết để bảo đảm chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học hiện còn đối mặt với nhiều thách thức như bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ giáo viên, học sinh, tổ chức dạy học trong điều kiện có thể xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt, lâu dài của dịch Covid-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.

Dạy và học trực tiếp - điều chỉnh linh hoạt, không cứng nhắc

Ai cũng có con, có cháu, nên việc đưa học sinh trở lại trường học thực sự đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Tuyết Nga, thời gian qua dù ngành giáo dục đã triển khai giải pháp ứng phó với Covid-19 rất tích cực, nhưng khi mở lại trường học thì số lượng ca nhiễm tăng cao. Nhiều học sinh, giáo viên bị F0, điều đó dẫn đến tâm lý phụ huynh chưa yên tâm cho học sinh đi học trở lại.

Mặt khác, chúng ta chủ trương là đi học trực tiếp trở lại, nhưng khi có ca nhiễm F0 thì lại dừng, sau khi khỏi bệnh lại đưa trẻ quay trở lại trường học. Điều này thật sự rất khó bảo đảm an toàn tuyệt đối, thậm chí có trường hợp tái nhiễm. Chỉ ra thực tế này, nhiều đại biểu thẳng thắn, tình hình này gây xáo trộn cho trường học, ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của chính học sinh và chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận tại phiên giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận tại phiên giải trình

Ảnh: H. Ngọc

Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua nắm bắt tình hình triển khai chủ trương đi học trực tiếp, các địa phương cũng rất quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học. Thời điểm trở lại trường học ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng các địa phương đều nhập cuộc, chuẩn bị rất tốt. Tuy nhiên, do sau Tết, dịch bệnh bùng phát mạnh, tình hình phức tạp hơn, nên các trường phải duy trì tình trạng “ON - OFF”: một bộ phận học sinh đến trường học trực tiếp, các học sinh thuộc diện F0, F1 cách ly thì ở nhà, có trường học sinh đến trường thì cô giáo lại F1, F0 ở nhà. Thực tế, đội ngũ giáo viên cũng rất căng thẳng trong việc ứng phó, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến như vậy. Những vướng mắc, khó khăn này, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn hỗ trợ.

Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu và thừa nhận đúng là có sự lúng túng khi phát sinh ca F0 trong trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thực tế có nơi nghỉ một nhóm học sinh, có nơi nghỉ học cả lớp, nhưng chưa có sự thống nhất trong khoanh vùng F0 với phạm vi như thế nào, thời gian ra sao, "test" sàng lọc như thế nào - mỗi nơi đang thực hiện một kiểu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với Bộ Y tế để ra văn bản hướng dẫn mới. Thế nhưng, “việc đưa học sinh quay trở lại trường học là xu thế tất yếu, không thể khác được". Khẳng định điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến 11 giờ trưa 25.2, tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học là hơn 88,25%, tăng trên 15% so với thời điểm chưa quyết liệt với chủ trương này. Đây chính là kết quả của cuộc vận động đưa học sinh tới trường”, Bộ trưởng nói.

Về biện pháp bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP, tùy theo cấp độ dịch, nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt, định hướng đưa học sinh quay trở lại trường, địa phương căn cứ theo tình hình để có giải pháp phù hợp, không cứng nhắc.

Đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học

Thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy, đa số trẻ em mắc Covid-19 đều ở thể trạng nhẹ, ít tử vong hơn, nhưng "hậu Covid-19" lại nặng, gây tâm lý bất an với phụ huynh, học sinh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trước ngày 1.2.2022, trẻ em từ 6 - 12 tuổi mắc Covid-19 là 173 nghìn em; sau 20 ngày (từ 1 - 22.2), đã có 64 nghìn trẻ em từ 6 - 12 tuổi mắc Covid-19. Trong khi đó, trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế sẽ có giải pháp căn cơ như thế nào để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho học sinh, giáo viên - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu câu hỏi?

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, đồng ý cho Bộ Y tế mua khoảng 22 triệu liều vaccine Pfizer để tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, thực hiện đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine cho trẻ ở lứa tuổi này. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các cơ sở y tế về công tác tổ chức tiêm phòng cho lứa tuổi này, nhằm đạt tỷ lệ cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bổ sung, ngành giáo dục và ngành y tế luôn phối hợp rất tốt, sát cánh và trao đổi thường xuyên. Cũng qua khảo sát, Bộ trưởng nói “nhiều giáo viên và học sinh rất bình tĩnh trong ứng phó và rất bản lĩnh”. Đây là tình thế buộc phải thích ứng, dù đúng là việc tổ chức lớp còn “tắc bọp” và có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, Bộ trưởng thừa nhận.

Là đại dịch chưa từng có trong lịch sử, để ứng phó, Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp rất quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện chủ trương mở cửa trường học an toàn, thích ứng linh hoạt với thực tiễn. Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với quan điểm: “sớm mở cửa lại trường học là một yêu cầu cấp thiết để bảo đảm chất lượng dạy và học”. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học còn đối mặt với nhiều thách thức, như điều kiện bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo, người học; việc tổ chức dạy học trong điều kiện có thể xuất hiện nhiều ca nhiễm. Ngay trong công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của ngành giáo dục cũng cho thấy, đôi khi còn lúng túng, bị động, việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn thiếu thống nhất, đồng bộ.

Chính vì vậy, trong phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt, lâu dài của dịch Covid-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro sức khỏe đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể, bảo đảm an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vaccine. Việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi cần được thử nghiệm, triển khai từng bước thận trọng, khoa học để phụ huynh, xã hội yên tâm, ủng hộ.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mo-cua-lai-truong-hoc-la-yeu-cau-cap-thiet-flyxtdy5tl-80340