'Mở cửa' nhưng phải an toàn

Từ 0h ngày 22-6-2021, UBND thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà. Quyết định được đưa ra dựa trên tình hình thực tế và đề xuất của các cơ quan hữu trách về việc nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch.

Đây là thông tin được người dân hồ hởi đón nhận sau gần 1 tháng thực hiện chủ trương chỉ “bán mang về” để phòng, chống dịch Covid-19 lây lan. Không vui làm sao được khi người dân dần được quay trở lại thói quen sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt, điều đó cho thấy công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đã và đang trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, với những ca mắc và chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng phức tạp, khó lường, trong khi nhu cầu đi lại, giao thương rất cao, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng cũng như người dân vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Ngay cả với những dịch vụ vừa được mở cửa trở lại, thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải bảo đảm khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, bố trí phục vụ không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người cùng một thời điểm, đóng cửa trước 21h hằng ngày; đặc biệt là nhà hàng rượu, bia, bia hơi vẫn chỉ được phép bán hàng mang về. Chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hằng ngày. Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.

Thông tin, yêu cầu đã rất rõ ràng, nhưng có lẽ do thời gian bị “bó buộc” khá dài nên không ít người xuất hiện tâm lý “xả hơi”, mới đọc lướt qua thông tin đã lập tức rủ nhau ăn sáng, cà phê. Dù có thể hiểu phần nào tâm lý đó nhưng chính mỗi người dân cần phải đọc kỹ và thực hiện đúng các yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chức năng nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân và xã hội. Thói quen ngồi sát nhau, vừa ăn vừa “chém gió” (thậm chí được không ít người tự xem là “nét văn hóa”) cần phải được tiết chế, loại bỏ trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm vệ sinh, phòng, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người dân mừng một, các cơ sở cung cấp dịch vụ chắc hẳn mừng mười, bởi đây chính là cơ hội kinh doanh tốt sau một thời gian dài “án binh bất động” trong khi vẫn phải gánh các khoản chi phí thuê địa điểm, nhân công... Với áp lực kinh tế đó, chỉ cần một chút hám lợi, các cơ sở có thể sẽ “tặc lưỡi”, “cho qua” các quy định (không bảo đảm khoảng cách an toàn, để khách hàng đứng ngồi chờ đợi lộn xộn, cho khách ngồi ở vỉa hè…), làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, mỗi cơ sở dịch vụ cần chủ động tìm ra cách thức quản lý, phục vụ phù hợp với điều kiện thực tế như phát số, hẹn giờ, đặt trước qua điện thoại, kẻ vạch xếp hàng, chỉ phục vụ khách hàng tuân thủ quy định “5K”… khi khách quá đông dẫn tới nguy cơ không thể kiểm soát tình hình. Phải làm sao để vừa kinh doanh hiệu quả, vừa đảm bảo quy định chống dịch.

Thời gian qua, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ, người dân vi phạm quy định phòng, chống dịch đã bị xử lý với mức phạt hành chính rất cao, thậm chí bị dừng hoạt động kinh doanh. Mỗi người đừng quá dễ dãi với bản thân hay vì chút lợi nhỏ mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng. An toàn dịch bệnh mới chính là cái lợi lớn nhất và phải được đặt lên hàng đầu.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1003604/mo-cua-nhung-phai-an-toan