Mở cửa trường nhưng không bán trú, phụ huynh lo lắng tìm cách đón con
Trước thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất học sinh lớp 1 đến lớp 6 nội thành đi học trực tiếp từ 21.2, nhiều phụ huynh đồng tình nhưng muốn con học cả ngày thay vì chỉ học một buổi.
Theo kế hoạch đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, từ ngày 10.2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã ngoại thành sẽ đi học trực tiếp. Căn cứ thực tế học sinh các khu vực ngoại thành trở lại trường, Sở GD-ĐT sẽ có đánh giá sơ bộ. Nếu đảm bảo an toàn thì sẽ có kế hoạch cho học sinh từ lớp 1-6 tại 12 quận nội thành được đến trường từ ngày 21.2.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Đa số phụ huynh đều đồng tình với việc cho học sinh đến trường, nhưng nhiều người cũng tỏ ra lo lắng vì nếu chỉ học trực tiếp một buổi, không bán trú thì họ sẽ rất vất vả trong việc đưa đón con.
Nhiều phụ huynh mong trường học có giải pháp tổ chức ăn bán trú để không vất vả trong việc đưa đón con
Chia sẻ với phóng viên, chị Thái Linh có 2 con đang học cấp 2 tại trường THCS Giảng Võ và 1 bé theo học tại trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) cho biết: "Khi tất cả các học sinh học trực tuyến thì các con tôi có thể chăm sóc và dạy cho nhau. Nay hai anh lớn đã đi học trực tiếp còn lại cháu nhỏ học tiểu học, tôi vừa đi làm vừa phải tranh thủ về đón 2 cháu lớn về nhà để nấu cơm nước.
Nếu để các con đi học nửa ngày, không bán trú, thì sẽ rất khó cho việc đưa đón cả ba cùng lúc. Cháu học tiểu học mà học trực tiếp nửa ngày nữa thì chắc tôi chỉ còn cách xin nghỉ làm ở nhà để đón các cháu đi học và chuẩn bị cơm nước. Cũng mong ngành giáo dục và y tế sớm có kế hoạch để các con trở lại trường nhưng vẫn đảm bảo công việc cho phụ huynh, không tạo nên sự rắc rối".
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông Trần Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc các học sinh không ăn bán trú ở trường cũng là vấn đề Sở quan tâm vì có rất nhiều phụ huynh lo lắng. Thời gian tới, Sở sẽ đề xuất lên UBND thành phố về vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh từ lớp 1-6 học bán trú trở lại. Sở GD-ĐT Hà Nội mong muốn thời gian này phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nói rằng Bộ sẽ làm việc với TP.Hà Nội để giải quyết triệt để vấn đề có nên học bán trú trong thời gian này hay không.
"Khi đưa học sinh trở lại trường, chúng ta cũng phải đánh giá đến phụ huynh học sinh, đặc biệt là các em nhỏ cấp mầm non và tiểu học cần phải ăn bán trú. Nếu chỉ cho các em học nửa ngày sẽ ảnh hưởng đến giờ làm của phụ huynh", bà Minh nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh. Trong những ngày đầu quay trở lại học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen với việc học trực tiếp. Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường.
Hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng chống dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học, tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.