Mỏ đá Thua Phia, Cao Bằng uy hiếp an toàn sống của người dân
Nhiều năm nay, người dân quanh mỏ đá Thua Phia phải sống chung với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng bởi bụi, tiếng ồn từ khai thác đá.
Người dân sinh sống quanh mỏ đá Thua Phia tại thôn Bó Giới, xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng và cả những người tham gia giao thông qua khu vực này đang rất bức xúc vì nhiều năm nay, họ phải sống chung với môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi bụi, tiếng ồn từ hoạt động khai thác đá; thậm chí là nhà cửa bị lún nứt; đá văng vào người dân; đường giao thông bị chiếm dụng làm trạm nghiền, không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn khiến không khí bụi mù mịt vào mùa khô, còn mùa mưa thì sình lầy.
Theo đơn thư của người dân, phóng viên đã tìm hiểu thực tế và làm rõ nhiều vi phạm nghiêm trọng liên quan đến mỏ đá Thua Phia đã và đang uy hiếp an toàn sống của người dân.
Mỏ Thua Phia được UBND tỉnh Cao Bằng cấp phép cho Công ty Khoáng sản và thương mại Thành Phát có địa chỉ tại thành phố Cao Bằng để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường từ năm 2013 với thời hạn 8 năm và có công suất 20.000 m3/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến mỏ đá này uy hiếp an toàn sống của người dân là do chính quyền cấp phép mỏ đá sát với đường giao thông và khu vực có dân cư sinh sống. Điều này trái với các quy định của pháp luật.
Người dân khiếp đảm mỗi khi mỏ đá nổ mìn…
Chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt toác trên tường nhà, anh Đinh Văn Hải, một người dân thôn Bó Giới cho biết: Ngôi nhà của anh xây dựng trước khi mỏ đá được cấp phép mới. Khoảng cách từ nhà anh đến vị trí khai thác nổ mìn lấy đá chỉ tầm dưới 200m nên mỗi lần mỏ đá nổ mìn, đồ đạc trong nhà anh và những hộ bên cạnh lại rung lên bần bật, nhất là khoảng 2 năm nay khi mỏ được cấp phép nổ mìn mũi khoan lớn.
Chỉ vào những vết nứt trên tường anh Hải bức xúc nói: “Mỏ nổ mìn xong là bụi bay về khắp thôn xóm trên này, có hôm nổ mìn đá còn bay về tận nhà trên này, còn vào cả tay bà cô ở nhà bên. Nhà tôi bị ảnh hưởng độ rung, bị nứt các vách tường, nổ cả cửa kính nhôm".
Hiện trong phạm vi khoảng 150m đến dưới 300m quanh mỏ Thua Phia có đến 4-5 ngôi nhà cùng nhiều công trình lán trại, chuồng chăn nuôi của người dân xây dựng trước khi mỏ được cấp phép. Cách vị trí nghiền đá chỉ vài bước chân, hàng chục thửa ruộng vẫn đang được người dân canh tác. Người dân thôn Bó Giới cho biết, từ khi mỏ đá hoạt động, năng suất lúa giảm rõ rệt, thậm chí khi gặt, bà con phải đập cho hết bụi mới dám vào cắt lúa, còn thóc mang về nhà phải rửa trước khi phơi…
Cách vị trí khai thác khoảng hơn 100m, gia đình bà Đinh Thị Hằng là hộ dân gần mỏ đá Thua Phia nhất. Bà Hằng cho biết, khắp cành cây, ngọn cỏ quanh nhà phủ một màu trắng của bột đá, càng lo hơn khi gia đình có cháu nhỏ mới sinh, căn nhà gần như lúc nào cũng phải đóng kín các cửa, thậm chí để đảm bảo an toàn, gia đình bà phải ẩn nấp, thậm chí sơ tán mỗi khi mỏ đá nổ mìn.
“Tiếng ầm ầm suốt, tối thì làm đến tận 22h mới nghỉ, bụi nhiều quá, bắn mìn thì đá bay tận đây làm thủng ngói. Mỗi lần nổ mìn là chúng tôi phải chạy, trốn, hoảng sợ, nổ là phải chui xuống dưới gầm ván, gầm giường vì ngói cũng có thể văng theo", bà Hằng cho biết.
Không chỉ nổ mìn trong khu vực gần khu dân cư, vị trí khai thác của mỏ đá còn nằm sát đường giao thông liên xã với nhiều tảng đá lớn nằm chênh vênh trên cao. Theo giấy phép, cốt cao khai thác của mỏ từ + 181m đến +395m, nghĩa là độ cao vách đá có thể lên đến hơn 200m.
Mặc dù đơn vị khai thác cũng đã làm một đập chắn bằng đất, cao khoảng 25m tính từ mặt đường, nhưng bề rộng mặt đập chừng 5-7m và chỗ hào sâu nhất cũng chỉ khoảng 1m, nhiều chỗ thậm chí không có hào ngăn… Điều này khiến người dân mỗi khi đi qua đây đều nơm nớp lo sợ.
Ông Đinh Ngọc Quỳnh, người dân thôn Khuổi Linh, xã Hồng Nam, huyện Hòa An lo ngại: “Chúng tôi cảm thấy rất nguy hiểm, vì đá có thể lăn xuống, bà con đi qua ai cũng kêu như nhau. Môi trường không đảm bảo, bà con đi qua vất vả quá, mỗi lần qua là một lần vất vả. Trời mưa thì ngập ngụa bùn lầy".
Doanh nghiệp bất chấp pháp luật và phớt lờ trách nhiệm…
Theo quan sát của phóng viên, vị trí khai thác và đặt máy nghiền đá của mỏ Thua Phia ở ngay lề đường liên xã, nối từ xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng đến xã Hồng Nam của huyện Hòa An và đi một số địa phương của các huyện Phục Hòa, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Thời điểm phóng viên có mặt tại đây, hệ thống máy nghiền vận hành tạo ra một lớp bụi bao phủ cả một đoạn đường mà không có bất cứ hệ thống phun nước hay biện pháp giảm bụi, tiếng ồn nào hoạt động.
Điều khó hiểu nhất là mỏ đá này lại được cấp phép khai thác và tập kết sản phẩm ở cả hai bên đường giao thông. Doanh nghiệp còn lấn tới chiếm dụng hơn 100 m lòng đường ngang nhiên làm nơi nghiền, tập kết, vận chuyển đá khiến người tham gia giao thông thường xuyên bị ách tắc trong không khí bụi mịt mù. Con đường liên xã cũng ngày một xuống cấp nghiêm trọng do hàng loạt xe trọng tải lớn chở đá đi qua.
Ông Đàm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng xác nhận: mỏ đá Thua Phia đã làm hư hỏng toàn bộ mương và hai cống thoát nước của tuyến đường qua khu vực mỏ hoạt động. Mặc dù xã nhiều lần có ý kiến nhưng doanh nghiệp không khắc phục.
“Hiện đơn vị khai thác đá có chiếm một phần đường Chu Trinh - Hồng Nam làm nơi sản xuất. Qua nhiều lần UBND xã cũng nhắc nhở, phản ánh vào báo cáo cơ quan chức năng xem xét và cũng được cơ quan cấp trên phản hồi lại. Tuy nhiên đến nay, việc xử lý của đơn vị chưa triệt để và dân còn phản ánh. Đặc biệt là trục đường Chu Trinh - Hồng Nam vẫn còn hiện tượng vật liệu ra đường, và chứa vật liệu gần đường không đảm bảo đi lại của người dân…”, ông Hùng cho hay.
Tỉnh Cao Bằng cấp phép mỏ đá Thua Phia cho Công ty Khoáng sản và thương mại Thành Phát khai thác, nổ mìn phá đá sát công trình giao thông và có dân cư sinh sống là không đảm bảo bán kính tối thiểu 300 m khi nổ mìn ở sườn đồi, núi theo khoản 8, Điều 4, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02:2008 của Bộ Công Thương về an toàn trong vận chuyển, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp. Doanh nghiệp này còn ngang nhiên lấn chiếm lòng, lề đường để đặt máy nghiền, tập kết vật liệu đã vi phạm Điều 2, Nghị định 100/2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Doanh nghiệp khai thác mỏ đá Thua Phia cũng không thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, gây hư hỏng các công trình công cộng và đe dọa đến sự an toàn và đời sống của nhiều người dân. Vậy tại sao trong một thời gian dài, mỏ đá này vẫn ngang nhiên hoạt động, phóng viên VOV sẽ tiếp tục thông tin làm rõ câu hỏi này trong phóng sự tiếp theo./.