'Mở' dịch vụ ngân hàng

Cách đây gần 5 năm, trong một bài báo của Đầu tư Chứng khoán khi viết về thanh toán không dùng tiền mặt đã dự báo rằng, rất sớm thôi, người tiêu dùng Việt Nam ra đường 'có thể quên ví tiền nhưng không thể quên điện thoại'.

Điều đó đã trở thành hiện thực!

Mọi hoạt động thanh toán của người dân hàng ngày, cơ bản đều có thể chi trả thông qua các ứng dụng thanh toán từ ví điện tử hay trực tiếp app ngân hàng, giá trị có thể chỉ 3.000 đồng/cốc trà đá hay hàng chục triệu đồng cho một món đồ có thương hiệu.

Thành quả của quá trình này đến xuất phát từ quá trình chuyển đổi mạnh mẽ các phương thức thanh toán của ngân hàng, các trung gian tài chính (Fintech) và gần đây có sự tham gia của cả các công ty tài chính, sàn thương mại điện tử.

Giao thức ngân hàng mở (API) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi đó. Ngân hàng mở dữ liệu cho phép kết nối các ứng dụng của bên thứ ba, từ đó người tiêu dùng có thể quét mã QR tại bất kỳ điểm thanh toán nào mà không cần quan tâm tới việc mình mở tài khoản tại ngân hàng nào; hay ngược lại, người tiêu dùng có thể vào app ngân hàng mà mình mở tài khoản mua vé xem phim, đặt taxi, trả tiền điện thoại… với nhiều khuyến mãi. Hay mới hơn là mua hàng trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng thậm chí có thể vay tiền nếu tiền trong tài khoản không đủ nhờ sự kết nối dịch vụ của công ty tài chính với app của chính sàn thương mại điện tử.

Có một câu hỏi là tại sao ngân hàng lại phải mở ứng dụng cho bên thứ ba mà không tự mình làm tất cả với nguồn dữ liệu khổng lồ của khách hàng và dịch vụ thanh toán, cho vay đa dạng. Thực tế, khi “ngân hàng mở” chưa xuất hiện, các ngân hàng thương mại toàn cầu đều có chiến lược như vậy, nhưng thực tế cho thấy, các Fintech với sự linh hoạt của mình có thể làm nhiều dịch vụ tốt hơn. Cộng sinh để cùng có lợi là động lực để tạo ra các nền tảng “ngân hàng mở” cho phép bên thứ ba tham gia cung ứng dịch vụ, ngân hàng chia sẻ dữ liệu, còn các Fintech cung ứng mạng lưới thanh toán thêm cho ngân hàng.

Dòng tiền chảy mạnh hơn, ngân hàng có thể thu thêm các loại phí, lượng tiền gửi thanh toán… nhờ sự hợp tác đó.

Với Việt Nam, chưa phải toàn bộ các ngân hàng phát triển giao thức API, nhưng đa số đã áp dụng và chắc chắn toàn bộ các ngân hàng sẽ ứng dụng, điều này sẽ giúp cho hoạt động thanh toán trong xã hội còn tiếp tục phát triển đa dạng hơn cả hiện nay, dù rằng đã rất tiện dụng so với chỉ cách đây 5 năm.

Có một quan ngại nhỏ về việc rò rỉ dữ liệu khách hàng, nhưng nhiều nước đi trước đã cho Việt Nam kinh nghiệm về việc chuẩn hóa API, xây dựng khuôn khổ pháp lý, kể cả hợp tác quốc tế. Đầu tư Chứng khoán dự báo, một tương lai rất gần thôi, người dân đi du lịch quốc tế sẽ sử dụng điện thoại của mình để chi trả, không cần phải mang theo ngoại tệ, hay một thẻ tín dụng quốc tế như hiện nay.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/mo-dich-vu-ngan-hang-post359537.html