Mở đường cho các kênh tiếp thị số
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, các nền tảng số, mạng xã hội trở nên phổ biến, xu hướng bán hàng, tiếp thị cũng có nhiều thay đổi để bắt kịp xu thế.
Trong đó, nhiều kênh tiếp thị số được các doanh nghiệp (DN) quan tâm triển khai nhiều hơn bên cạnh các kênh tiếp thị truyền thống, các đại lý phân phối…
* Tiếp cận xu hướng tiêu dùng trên nền tảng số
CEO Công ty AccessTrade Việt Nam (Hà Nội) Đỗ Hữu Hưng chia sẻ, trong bối cảnh các kênh tiêu dùng, mua sắm trực tuyến ngày càng mở rộng, đòi hỏi các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cần thay đổi nhận thức, có cách tiếp cận phù hợp, chiến lược dài hạn về vấn đề này. Ngoài ra, cần có sự kết nối, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN nhỏ và vừa phát triển các kênh kinh doanh, quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả… trong xu thế hội nhập, công nghệ thông tin ngày càng phát triển.
Các DN nhỏ và vừa, mô hình khởi nghiệp đang có xu hướng phát triển các kênh bán hàng, tiếp thị trực tuyến nhiều hơn để tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm bớt những áp lực về mặt bằng kinh doanh, nhân sự, linh hoạt các hình thức thanh toán, mua sắm…
Chị Minh Hiếu, đại diện một mô hình kinh doanh thời trang tại P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa) cho biết: “Chi phí thuê mặt bằng và nhân sự hiện nay là một gánh nặng đối với các cửa hàng kinh doanh nhỏ, khởi nghiệp. Do đó, kinh doanh online mang lại hiệu quả tối ưu về thời gian lẫn không gian. Tôi chỉ cần ở nhà thao tác bằng điện thoại hoặc máy tính để đăng bài, quảng cáo và giao dịch với khách hàng. Cho dù khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể đặt hàng, thanh toán và nhận hàng thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh. Nhìn chung chi phí vận hành thấp hơn so với các mặt hàng bán lẻ, doanh thu cũng tương đối ổn”.
* Từng bước cập nhật các công nghệ mới
Nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, sản phẩm của các thương hiệu Việt cần tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để phát huy, quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt trên các nền tảng số như: đẩy mạnh các nội dung/video clip, hình ảnh thương hiệu trên các kênh/mạng xã hội TikTok, Facebook, Instagram... Ngoài ra, cần tích hợp các công nghệ mới vào việc bán lẻ, mua sắm một cách chọn lọc, hiệu quả.
Tổng giám đốc Tổ hợp Truyền thông và công nghệ sáng tạo Pencil Group (TP.HCM) Nguyễn Tiến Huy nhận định, việc tích hợp trải nghiệm số tại các điểm bán lẻ hiện nay tại Việt Nam chủ yếu liên quan đến phần dữ liệu của khách hàng như: hệ thống POS tích hợp hóa đơn, thông tin mua sắm, tích điểm thành viên… Những công nghệ tương tác, chạm - mua chưa được phổ biến ở Việt Nam và còn khá mới mẻ với người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, còn có những áp lực về vấn đề chi phí đầu tư cho công nghệ, trải nghiệm số khá lớn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cần được triển khai theo lộ trình phù hợp, có chọn lọc, hiểu đúng tâm lý, thói quen của người tiêu dùng trong nước…