'Mở đường' khai thác, sử dụng không gian ngầm ở Hà Nội trong tương lai
Theo các chuyên gia, để bảo đảm không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết. Đồng thời cần có một kế hoạch dự trữ không gian ngầm cho nhu cầu phát triển trong tương lai, bao gồm cả không gian ngầm và không gian bề mặt cho các kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Lưu ý quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm
Tham luận của PGS.TS Nguyễn Công Giang, TS Bùi Thị Ngọc Lan, KS Nguyễn Xuân Phúc - trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Công ty TNHH Công nghệ Địa Kỹ thuật Môi trường tại Hội thảo Khoa học triển khai Luật Thủ đô 2024 nêu rõ những vấn đề cần lưu ý trong triển khai Luật về quản lý, khai thác không gian ngầm.
Theo đó, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với những động lực và áp lực của quá trình đô thị hóa gia tăng, chi phí đất đai, dân số và tăng trưởng kinh tế cao. Điều này đã chuyển thành các loại hình cụ thể của việc sử dụng không gian ngầm được phát triển để phục vụ những nhu cầu này như sử dụng cơ sở hạ tầng ngầm để tạo điều kiện cho dân số và tăng trưởng kinh tế. Việc phát triển không gian ngầm phải là điểm khởi đầu cho tất cả các công việc quy hoach bất kể vị trí hay bối cảnh nào.
Việc triển khai Luật Thủ đô và các quy định liên quan đến quản lý không gian ngầm đòi hỏi phải xem xét một cách nghiêm túc nhiều vấn đề quan trọng, từ quyền sở hữu, quản lý, đến các yếu tố kỹ thuật như phân tầng độ sâu sử dụng và tính liên kết giữa không gian ngầm và trên mặt đất.
Trong bối cảnh quốc tế, các đô thị lớn như Tokyo, Helsinki, Singapore và London đã áp dụng nhiều chiến lược quản lý không gian ngầm một cách bài bản và hiệu quả. Qua các kinh nghiệm này, có thể rút ra các nguyên tắc và phương pháp phù hợp để áp dụng cho Hà Nội.
Một số yếu tố quan trọng được nhấn mạnh bao gồm việc xác định các cơ hội đồng vị trí, tích hợp, phát triển ngầm với các công trình trên mặt đất, và tính sẵn có của dữ liệu. Những vấn đề này đều cần được xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm rằng không gian ngầm được khai thác hiệu quả, góp phần phát triển đô thị bền vững và đồng thời giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Một trong những yếu tố trọng yếu khi phát triển không gian ngầm là quyền sở hữu và quyền sử dụng không gian này, đặc biệt là trong mối quan hệ với quyền sở hữu mặt đất. Trên thế giới, có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Tại London, quyền sở hữu mặt đất đồng thời bao trùm cả không gian ngầm theo nguyên tắc "từ thiên đường đến địa ngục", mặc dù có ngoại lệ đối với các tài nguyên khoáng sản như than, dầu, khí đốt.
Trong khi đó, Nhật Bản áp dụng một hệ thống linh hoạt hơn, nơi các nhà phát triển có thể khai thác không gian ngầm từ độ sâu 40m trở xuống mà không cần xin phép chủ sở hữu mặt đất.
Singapore cũng áp dụng giới hạn độ sâu 30m, nhằm thúc đẩy việc khai thác không gian ngầm mà không ảnh hưởng đến quyền sở hữu mặt đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình ngầm như đường tàu điện ngầm và hệ thống thoát nước. Tại Hà Nội, vấn đề quyền sở hữu không gian ngầm cần được làm rõ để tạo điều kiện cho quá trình quy hoạch và phát triển bền vững.
Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, không gian ngầm có thể khai thác theo ba lớp: lớp nông (0 - 5m) cho các hạ tầng kỹ thuật, lớp trung bình (5 - 15m) cho công trình công cộng và bãi đỗ xe, và lớp sâu (15 - 30m) cho các hệ thống giao thông ngầm.
Quy hoạch theo từng lớp này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho các chủ sở hữu mặt đất mà còn tối ưu hóa sử dụng không gian ngầm cho các mục tiêu phát triển lâu dài của đô thị.
Phối hợp sử dụng không gian ngầm và không gian bề mặt
Việc phát triển không gian ngầm phải được tiến hành đồng bộ với các hoạt động bề mặt nhằm bảo đảm sự hài hòa, bền vững và hạn chế tối đa những tác động không mong muốn đến cảnh quan, môi trường sống và các công trình hiện có.
Kinh nghiệm từ Helsinki, Tokyo và Thượng Hải cho thấy quy hoạch không gian ngầm có thể tạo ra áp lực bổ sung lên các hoạt động trên mặt đất, từ nhu cầu về lối vào và thoát hiểm, đến các yêu cầu về thông gió và chiếu sáng tự nhiên.
Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch phối hợp rõ ràng để phát triển không gian ngầm sao cho các điểm lối vào phù hợp với mục đích sử dụng, bảo đảm an toàn và không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ bề mặt.
Một trong những lợi thế của không gian ngầm là tính linh hoạt trong đa dạng hóa mục đích sử dụng. Tuy nhiên, việc kết hợp các mục đích khác nhau cũng đặt ra thách thức về tính tương thích. Các mục đích sử dụng không gian ngầm cần được đánh giá và phân loại dựa trên tính chất hoạt động, cường độ sử dụng và yêu cầu kết nối với không gian bề mặt.
Các mục đích có tính tương thích cao như giao thông ngầm và bãi đỗ xe có thể bố trí cạnh nhau, trong khi những mục đích kém tương thích hơn, như các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các khu thương mại ngầm, cần có sự sắp xếp tách biệt hoặc ở các tầng khác nhau để giảm thiểu ảnh hưởng lẫn nhau.
Quy hoạch không gian ngầm không thể hiệu quả nếu thiếu dữ liệu đầy đủ và chính xác. Các đô thị lớn đã xây dựng các cơ sở dữ liệu địa kỹ thuật và địa chất nhằm hỗ trợ quá trình phát triển không gian ngầm.
Tại Helsinki, cơ sở dữ liệu địa kỹ thuật bao gồm các tài liệu khảo sát, bản đồ địa hình, và mô hình 3D, giúp cho việc tiếp cận và quản lý thông tin một cách hiệu quả.
Hồng Kông cũng đã triển khai thư viện địa chất, cung cấp dữ liệu cần thiết về địa chất và địa kỹ thuật phục vụ quy hoạch không gian ngầm. Điều này cho thấy rằng dữ liệu chính xác là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng các kế hoạch khai thác không gian ngầm.
Tại Hà Nội, các nghiên cứu địa chất đã được tiến hành trong nhiều năm và cung cấp một bức tranh toàn diện về cấu trúc nền đất, từ các hệ địa chất Tam Điệp, Neogen, đến hệ Đệ Tứ. Tuy nhiên, thông tin về các đặc điểm cụ thể của địa tầng tại các khu vực quan trọng vẫn cần được cập nhật và hoàn thiện để đảm bảo rằng các kế hoạch phát triển không gian ngầm được thiết lập trên nền tảng dữ liệu chính xác.
Cần có kế hoạch dự trữ không gian ngầm
Để bảo đảm rằng không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết.
Những nguyên tắc này bao gồm việc làm rõ quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm, thiết lập các giới hạn độ sâu phù hợp với từng mục đích phát triển, và bảo đảm tính tương thích giữa các mục đích sử dụng khác nhau.
Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch dự trữ không gian ngầm cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, bao gồm cả không gian ngầm và không gian bề mặt cho các kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Sự phát triển của công nghệ đang giúp các nhà quy hoạch có thể lập kế hoạch trong một môi trường 3D với dữ liệu phong phú, từ đó nâng cao độ chính xác và tối ưu hóa quy hoạch không gian ngầm.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, quy hoạch không gian ngầm có thể đạt tới mức độ chi tiết cao, giúp Hà Nội khai thác hiệu quả tài nguyên này, đồng thời bảo đảm sự hài hòa với các giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô.
Nhìn chung, việc quản lý và khai thác không gian ngầm tại Hà Nội đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược dài hạn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý và các nhà quy hoạch, cùng với một nền tảng dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy.
Khi các yếu tố này được bảo đảm, không gian ngầm sẽ trở thành một nguồn tài nguyên vô giá, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, văn minh và bền vững.