Mở đường ra biển cho Tây Nguyên

Các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung kết nối rừng với biển để mở rộng giao thương

Ngày 2-4, tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk có chuyến làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc thống nhất ý kiến để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 29 nối 2 tỉnh này.

Mở rộng và tăng tốc

Đoạn Quốc lộ 29 nối Đắk Lắk - Phú Yên dài khoảng 180 km. Theo ông Trương Công Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đây là tuyến đường kết nối với các trục giao thông trọng yếu của quốc gia, nhằm kết nối các tỉnh Tây Nguyên ra phía Đông. Tuy nhiên, trên tuyến hiện vẫn còn nhiều đoạn có thông số kỹ thuật còn cấp thấp, chưa đồng bộ, mặt đường hẹp, bán kính nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông giữa 2 tỉnh và liên kết vùng. Theo đó, chưa tạo đà cho hoạt động thương mại và dịch vụ, tạo động lực để thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Riêng phần tỉnh Đắk Lắk, ông Thái cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 29 nối tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên. Theo đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29 theo quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỉ đồng. Sau khi được nâng cấp, Quốc lộ 29 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.

Mở rộng Quốc lộ 28B nối Lâm Đồng - Bình Thuận. Ảnh: CHÂU TỈNH

Mở rộng Quốc lộ 28B nối Lâm Đồng - Bình Thuận. Ảnh: CHÂU TỈNH

Ở dự án kết nối rừng - biển khác là đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, các chủ đầu tư cũng đang tập trung nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ. Tại dự án thành phần 3 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, tổng giá trị thực hiện hơn 1.790/4.216 tỉ đồng (đạt khoảng 42,52%) giá trị hợp đồng, chậm 0,22% so với kế hoạch. Tỉnh Đắk Lắk đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành dự án thành phần 3 trước ngày 30-8 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tỉnh Đắk Nông, hiện việc kết nối giao thông còn nhiều khó khăn khi địa phương này chưa có đường cao tốc, đường thủy, đường hàng không, đường sắt. Mới đây UBND tỉnh Đắk Nông đã đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng), kết nối liên vùng Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, mở rộng cửa hướng ra biển đối với tỉnh này.

Đề xuất thêm nhiều tuyến cao tốc

Tỉnh Lâm Đồng để kết nối với tỉnh Khánh Hòa hiện nay có Quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê; kết nối tỉnh Bình Thuận bằng Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55 qua đèo Lương Sơn - Đại Ninh; còn kết nối với tỉnh Ninh Thuận bằng Quốc lộ 27 qua đèo Ngoạn Mục, kết nối các tỉnh phía Nam bằng Quốc lộ 20.

Tuy nhiên, như vậy vẫn còn thiếu đối với trung tâm du lịch lớn của Tây Nguyên. Vừa qua, lãnh đạo 2 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng cùng thống nhất đề xuất đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dài gần 81 km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.058 tỉ đồng theo phương thức PPP, dự kiến giai đoạn xây dựng từ năm 2026 - 2028.

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 trung tâm du lịch Đà Lạt - Nha Trang còn khoảng 1,5 - 2 giờ so với hiện tại khoảng 3,5 - 4 giờ, tăng thêm tiềm năng khai thác lợi thế du lịch đặc thù của 2 tỉnh.

Đối với kết nối tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận, hiện nay dự án tuyến đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) dài 63 km, có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, đang thi công giai đoạn cuối tại huyện Đức Trọng. Dự kiến toàn tuyến đường sẽ được thông xe vào cuối quý III/2025, sẽ kết nối được với các trục đường quan trọng, mở rộng cửa để Lâm Đồng hướng ra biển.

Còn đối với việc kết nối Phan Thiết - Bình Thuận, dự án nâng cấp Quốc lộ 28B dài 68 km (Bắc Bình - Bình Thuận đến Đức Trọng - Lâm Đồng) với tổng mức đầu tư 1.435 tỉ đồng đang được các đơn vị gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, được kỳ vọng sẽ khơi thông kết nối Lâm Đồng với tỉnh Nam Trung Bộ này.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) vừa có tờ trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai). Đây là báo cáo mới nhất, sau khi đã cập nhật, hoàn thiện ý kiến đóng góp của các đơn vị và thành viên Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng.

Theo đó, dự án chiều dài toàn tuyến gần 125 km, điểm đầu tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối giao Quốc lộ 14, tại xã Ia Kênh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tuyến cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án trên 43.500 tỉ đồng. Dự kiến khởi công cuối năm 2025, đưa vào khai thác năm 2029.

UBND các tỉnh đã có văn bản cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Trong đó, tỉnh Bình Định cam kết bố trí 750 tỉ đồng, tỉnh Gia Lai là 500 tỉ đồng. Số vốn còn lại sẽ tiếp tục được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Tạo động lực từ đường sắt

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết địa phương có nhiều tiềm năng về công nghiệp khai thác chế biến bô-xít, được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp bô-xít, alumin và luyện nhôm quốc gia.

Để tạo đột phá, Đắk Nông kiến nghị ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành để kết nối với đường sắt Xuyên Á xuống cảng Thị Vải, phục vụ vận chuyển alumin, nhôm tinh chế và các sản phẩm sau nhôm. Đồng thời tỉnh cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận vào quy hoạch đường sắt quốc gia.

Cao Nguyên - Trường Nguyên - Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-duong-ra-bien-cho-tay-nguyen-196250402205328177.htm