Mô hình 9+, hướng mở cho học sinh sớm có nghề

Trong 3 năm, vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên vừa song song đào tạo nghề, học sinh hệ 9+ khi tốt nghiệp sẽ có cả bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề trong tay. Tỷ lệ có việc làm khi tốt nghiệp ra trường của học sinh hệ 9+ khá cao.

Mô hình này đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và coi là hướng mở, cho phép học sinh học nghề sớm, tạo ra nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội. Tuy nhiên, để chất lượng dạy và học thực sự đạt hiệu quả, học sinh theo học chương trình này cần có sự quan tâm đặc biệt từ cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và xã hội.

Học nghề vẫn có bằng văn hóa

Lâu nay, học nghề khi chưa học đại học không được nhiều người coi trọng, bởi họ cho rằng học ra không có tương lai, làm việc vất vả, lương lại thấp. Chị Nguyễn Hồng Hà, có con từng học Trường THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội) kể: Khi con chị chuẩn bị kết thúc năm học lớp 9, nhà trường tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, một số phụ huynh tỏ ý không hài lòng vì cho rằng thầy cô hướng nghiệp như vậy là không có niềm tin vào học sinh. Không chỉ phụ huynh học sinh ở Hà Nội, mà bố mẹ của Nông Thị Sánh, học sinh Trường Trung cấp Nghề nấu ăn-Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội, cũng từng phản đối gay gắt việc cô con gái út nhất mực đòi học nghề dù lực học của con có thể thi vào nhiều trường đại học. Thực trạng đó cho thấy, khi không ít các bậc làm cha, làm mẹ vẫn quan niệm học đại học là con đường duy nhất để con em mình tạo dựng cuộc sống sau này thì đây chính là rào cản lớn mà vô tình khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội lập nghiệp.

 Học sinh 9+ tập làm bánh tại Trường Trung cấp Nghề nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội.

Học sinh 9+ tập làm bánh tại Trường Trung cấp Nghề nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội.

Để giải quyết vấn đề lo lắng này của học sinh và các bậc phụ huynh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai mô hình 9+ với nhiều thay đổi phù hợp với nhu cầu của xã hội, nhằm đáp ứng thị trường lao động tay nghề có chất lượng. Mô hình 9+ là chương trình dành cho lứa tuổi đã tốt nghiệp THCS theo học tại các trường nghề. Học sinh được học nghề sớm để tích lũy kiến thức, kỹ năng, thái độ... trong khi vẫn học văn hóa theo chương trình rút gọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy bằng THPT. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học... Tuy là "đường vòng" nhưng thời gian để khởi nghiệp, có việc làm ổn định lại được rút ngắn. Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đây là hướng mở cho những học sinh thi trượt THPT và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Là phụ huynh có con theo học mô hình 9+, chị Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội) khá hài lòng khi quyết định cho con theo học chương trình chuyên ngữ theo mô hình 9+ của Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long. Chị tâm sự: "Vừa có bằng tốt nghiệp THPT, thành thạo hai ngoại ngữ và cơ hội lựa chọn, thực hành nghề sớm... Tôi không nghĩ con mình lại có “cơ hội lần hai” này khi cháu thi trượt THPT công lập và gia đình lại không có điều kiện cho con học dân lập”.

Dạy nghề và dỗ học

Cho rằng, chương trình 9+ là chủ trương đúng, góp phần giảm lãng phí trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề nấu ăn-Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội nhấn mạnh: "Cạnh tranh tuyển sinh nên chúng tôi luôn coi người học là trung tâm. Trường phải làm sao để người học yêu thích ngành nghề. Ngoài cơ sở vật chất, chương trình học liên tục đổi mới rất cần ở giáo viên dạy dỗ, yêu thương học sinh, ngoài tâm huyết với nghề còn phải tâm huyết với cả người học".

Điều đáng nói là các em mới tốt nghiệp THCS nên chưa có nhiều kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Trong khi đó, các em đến trường nghề với nhiều mục đích, yêu thích, đam mê có; không thể theo nổi các chương trình học văn hóa cũng có... Chính vì thế, theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, chủ nhiệm lớp làm bánh dành cho các em mới tốt nghiệp THCS, Trường Trung cấp Nghề nấu ăn-Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội: “Dạy các em trong chương trình 9+ đòi hỏi giáo viên phải theo sát và đồng hành với học sinh và phụ huynh”. Cô Nguyễn Thị Thanh Hà cũng cho rằng, học sinh tốt nghiệp THCS hầu hết đều ở lứa tuổi đang có nhiều biến động về tâm sinh lý, vì thế giáo viên cần hiểu biết về tâm lý lứa tuổi... Giáo viên tại các trường dạy nghề cần được tập huấn thêm những kỹ năng để xử lý tình huống, giao tiếp, ứng xử với học sinh của mình cho phù hợp. Có như vậy, chất lượng giáo dục của mô hình 9+ mới thực sự đem lại hiệu quả cao.

Bài và ảnh: LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/mo-hinh-9-huong-mo-cho-hoc-sinh-som-co-nghe-633518