Mô hình can thiệp dự phòng bệnh sâu răng và nha chu ở lứa tuổi học sinh

Đây là đề tài do Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ (GS.TS.BS) Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cùng cộng sự nghiên cứu, thực hiện. Đề tài này được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV, năm 2022 - 2023.Mục tiêu của đề tài là xác định tỷ lệ và các yếu tố liên quan đến bệnh sâu răng, mất răng, nha chu ở học sinh 12 tuổi; đánh giá kết quả can thiệp dự phòng bệnh sâu răng, nha chu lứa tuổi học sinh tại Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020 và đề xuất mô hình can thiệp dự phòng bệnh sâu răng, nha chu ở học sinh 12 tuổi tại Tiền Giang.

GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm tại Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV, năm 2022 – 2023.

GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm tại Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV, năm 2022 – 2023.

Theo GS.TS.BS. Tạ Văn Trầm, tại Việt Nam, các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ sâu răng và chỉ số sâu răng, trám răng vẫn ở mức từ trung bình đến cao. Để giải quyết tình trạng này, trong những năm qua, ngành Răng Hàm Mặt đã tích cực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng ban đầu mà trọng tâm là công tác Nha học đường.

Tuy nhiên, hiệu quả triển khai ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do kiến thức, thái độ, việc thực hành chăm sóc sức khỏe răng miệng của học sinh có sự khác nhau theo lứa tuổi, địa phương. Lứa tuổi 12 - 15 là tuổi mà các em đang học ở lớp đầu và cuối cấp bậc THCS, lứa tuổi có liên quan đến chỉ số mà Tổ chức Y tế thế giới chọn để theo dõi bệnh sâu răng trên toàn cầu, dùng để so sánh quốc tế và giám sát xu hướng của bệnh.

Nghiên cứu được tiến hành thông qua phỏng vấn và khám răng miệng cho 2.921 học sinh ở 24 trường THCS trên địa bàn tỉnh (gồm TP. Mỹ Tho, huyện Cai Lậy và huyện Chợ Gạo). Kết quả cho thấy, trong tổng số 2.921 học sinh 12 tuổi được thăm khám, trẻ bị sâu răng chiếm 68,2%, trẻ mất răng chiếm 2,2% và trẻ có trám răng chiếm 3,6%. Về bệnh nha chu, có 1.349 trẻ mắc bệnh, chiếm 46,2%; trong đó, có 26,5% trẻ bị vôi răng và 19,7% trẻ bị chảy máu nướu. Về mảng bám răng chiếm 89,3% số trẻ được khảo sát, thăm khám với 45% trẻ có mảng bám răng trên 2/3. Về vôi răng, có 775 trẻ, chiếm 26,5% trẻ được thăm khám bị vôi răng.

Kết quả nghiên cứu về vai trò của kiến thức, thực hành phòng bệnh sâu răng, nha chu của học sinh 12 tuổi tại Tiền Giang cho thấy, học sinh được trang bị kiến thức và thực hành tốt việc chăm sóc sức khỏe răng miệng thì tỷ lệ bệnh sâu răng và bệnh nha chu sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá kết quả can thiệp dự phòng bệnh sâu răng, nha chu (giáo dục sức khỏe răng miệng và chải răng đúng cách) ở học sinh 12 tuổi tại tỉnh Tiền Giang (gồm 849 học sinh thuộc 2 nhóm can thiệp và 410 học sinh thuộc nhóm chứng không can thiệp) để có sự so sánh, đánh giá sự khác biệt về kết quả đạt được giữa nhóm chứng với nhóm can thiệp, giới tính (giữa nam với nữ), giữa các khu vực (nông thôn với thành thị)…

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp số liệu chính xác, khách quan cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang và Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về tình hình bệnh sâu răng, nha chu, các yếu tố liên quan, kiến thức, thực hành của học sinh và hiệu quả các phương pháp dự phòng bệnh sâu răng, nha chu ở học sinh 12 tuổi tại tỉnh Tiền Giang, góp phần đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác phòng bệnh tại cơ sở.

Qua đó, đề tài góp phần rất lớn vào việc giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do bệnh sâu răng, nha chu gây ra trong cộng đồng nói chung và cho trẻ em nói riêng, giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng cho lực lượng lao động trẻ trong tương lai; đồng thời, tiết giảm các chi phí đầu tư có liên quan đến việc điều trị bệnh răng miệng, nhất là kinh phí đầu tư từ ngân sách.

Về hiệu quả ứng dụng của đề tài, qua 2 năm triển khai, áp dụng mô hình Can thiệp dự phòng, tỷ lệ bệnh sâu răng, nha chu ở học sinh 12 tuổi tại Tiền Giang được cải thiện đáng kể; trong đó, tỷ lệ bệnh sâu răng giảm từ 68,2% (năm 2021) xuống 42,3% (năm 2023) và tỷ lệ bệnh nha chu giảm từ 46,2% (năm 2021) xuống còn 35,5% (năm 2023). Theo Hội đồng Giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 -2023), đây là đề tài đầu tiên được nghiên cứu ở Tiền Giang.

Về tính mới, tính sáng tạo của đề tài có thể xét trong phạm vi cả nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở quan trọng giúp ngành Y tế xây dựng chiến lược, kế hoạch phù hợp nhằm phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ em 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang một cách hiệu quả hơn, toàn diện hơn, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em hiện tại và thế hệ người trưởng thành trong tương lai.

HUỲNH VĂN XĨ - T.L

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202407/mo-hinh-can-thiep-du-phong-benh-sau-rang-va-nha-chu-o-lua-tuoi-hoc-sinh-1015631/