Mô hình chính quyền đô thị sắp chấm dứt từng hoạt động như thế nào?

Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị chấm dứt tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) đang thực hiện tại 4 thành phố lớn: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Mô hình tổ chức CQĐT lần đầu được thí điểm tại Hà Nội năm 2019, sau đó được đưa vào Luật Thủ đô 2024.

Theo đó, chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã; xã, thị trấn là cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, phường thuộc thị xã Sơn Tây là UBND phường (không có HĐND).

Từ năm 2020, Quốc hội cho phép TPHCM và Đà Nẵng thực hiện mô hình CQĐT, chỉ có HĐND thành phố, không tổ chức HĐND quận và phường. Hải Phòng thực hiện từ tháng 12/2024, tương tự như TPHCM và Đà Nẵng.

Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị vào năm 2019. Ảnh: Thạch Thảo

Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị vào năm 2019. Ảnh: Thạch Thảo

Tổ chức CQĐT để phù hợp với đặc thù của đô thị lớn

Theo Nghị quyết số 06 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quá trình đô thị hóa nhanh đòi hỏi phải nghiên cứu xác lập đơn vị hành chính đô thị và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở đô thị một cách hợp lý.

Vì nhiều lý do khác nhau, các đô thị ở Việt Nam thường xen lẫn vùng nông thôn với cư dân sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, có thành phố trực thuộc trung ương nhưng số huyện lớn hơn số quận, số xã lớn hơn số phường, thị trấn.

Mặt khác, do cách phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương “đồng nhất” theo cấp hành chính, nên các đô thị được xếp ngang cấp đơn vị hành chính ở nông thôn.

Cụ thể, các thành phố trực thuộc trung ương là đô thị lớn được xếp cùng cấp với tỉnh. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương cùng cấp với huyện. Phường, thị trấn cùng cấp với xã.

Sự “đồng nhất” đó bộc lộ những bất cập trong quản lý và phát triển đô thị, dẫn đến quyết định thí điểm, sau đó áp dụng mô hình tổ chức CQĐT ở một số thành phố lớn.

Nghị quyết 06 yêu cầu phải có các mô hình tổ chức CQĐT khác nhau, phù hợp với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước cũng như điều kiện đặc thù của các đô thị.

CQĐT hoạt động trên tinh thần lấy công dân làm trung tâm, thay vì lấy chính quyền làm trung tâm.

HĐND thành phố thêm quyền hạn, trách nhiệm

TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị một cấp từ năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà

TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị một cấp từ năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà

Với mô hình CQĐT một cấp như TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, HĐND thành phố ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như các chính quyền thành phố khác, còn được bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quyết toán, phân bổ ngân sách… trên địa bàn quận, phường.

Ngoài ra, HĐND thành phố cũng có nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận… do không tổ chức HĐND quận, phường.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động, HĐND TPHCM đã tăng thêm 1 ủy viên hoạt động chuyên trách do Thường trực HĐND thành phố xem xét, phê chuẩn.

Khi không tổ chức HĐND quận và phường, UBND thành phố được bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn như: thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND quận; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND quận…

Chủ tịch UBND thành phố có thêm thẩm quyền: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận.

Trong mô hình CQĐT, UBND quận giống như một cơ quan hành chính gồm chủ tịch, phó chủ tịch; trưởng công an, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

UBND quận hoạt động theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong đó, chủ tịch quận là người đứng đầu và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND thành phố, do chủ tịch UBND thành phố trực tiếp bổ nhiệm và quản lý.

Để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân trong mô hình CQĐT, chủ tịch UBND quận có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với người dân trước kỳ họp HĐND thành phố. Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị một cấp, UBND quận là đơn vị dự toán cấp 1 được UBND thành phố giao dự toán thu chi, hàng năm.

Tương tự, UBND phường được tổ chức như một cơ quan hành chính ở phường. Vì không có HĐND phường, chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với người dân về tình hình hoạt động của phường, những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của công dân ở địa phương.

Với mô hình CQĐT cấp hai như Hà Nội, HĐND thành phố được bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc.

HĐND thành phố cũng có quyền quyết định chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công tại các phường, giám sát hoạt động của UBND phường, chủ tịch UBND phường.

UBND quận được bổ sung nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh… trên địa bàn các phường mà trong mô hình CQĐT một cấp là nhiệm vụ của UBND phường. UBND phường có cơ cấu tổ chức và hoạt động giống UBND phường trong mô hình chính quyền đô thị một cấp.

Với tinh thần chấm dứt tổ chức mô hình CQĐT sau khi sắp xếp lại các ĐVHC, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC mới đây cũng nêu rõ, trong trường hợp sắp xếp ĐVHC cấp xã với phường không tổ chức HĐND thì phường mới sau sắp xếp tiếp tục không tổ chức HĐND.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-sap-cham-dut-tung-hoat-dong-nhu-the-nao-2385521.html