Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM có gì đặc biệt?
Cùng với thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, TP.HCM là địa phương thứ ba có mô hình chính quyền đô thị.
Cần thí điểm
Sau khi nhận được thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị góp ý đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị và đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, TP.HCM đã có kinh nghiệm trong việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong 7 năm. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại hai thành phố Hà Nội và Đà Nẵng. Đây cũng là cơ sở thuận lợi cho TPHCM học hỏi kinh nghiệm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, với Thành phố 9 triệu dân, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi bộ máy quản lý chính quyền phù hợp với đặc thù đô thị. Đề án này nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Đóng góp ý kiến, một số đại biểu băn khoăn khi TP.HCM đề xuất cơ cấu tổ chức của HĐND Thành phố là 105 đại biểu, trong khi đó luật pháp quy định tối đa 95 đại biểu, như vậy chưa đúng quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị đổi tên thành đề án thí điểm theo nguyên tắc “cái gì chưa rõ, phức tạp và chưa có tiền lệ thì cần thực hiện thí điểm”.
Đối với việc không tổ chức HĐND cấp huyện, xã thì chức năng của các cấp chính quyền sẽ có sự thay đổi. Do đó, đại biểu đề nghị TPHCM đề xuất thêm một số giải pháp như tăng thời gian làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc…
Về bộ máy cán bộ, do đây là mô hình mới chưa có tiền lệ, nên cần căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bố trí cán bộ, công chức phù hợp. Đồng thời cần bổ sung phương án sắp xếp đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính.
“Thành phố trong Thành phố”
Liên quan đến mô hình “Thành phố trong Thành phố”, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, giúp nơi đây trở thành “hạt nhân” và là cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế. Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức có dân số khoảng trên 1 triệu người và số đơn vị hành chính cấp xã là 34 phường, giảm 2 phường so với hiện nay.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính, dù có giảm 2 phường, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị TPHCM có thể sắp xếp, sáp nhập thêm một số phường có diện tích nhỏ và quy mô dân số ít để đảm bảo tinh gọn bộ máy hơn.
Đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng băn khoăn, liệu đề án có nên thực hiện ngay không hay phải thí điểm. Bên cạnh đó, đề án cần bổ sung nội dung về tiêu chuẩn phân loại đô thị đối với Thành phố Thủ Đức.
Đối với đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị bổ sung thời gian thực hiện thí điểm trong đề án. Trường hợp giữ nguyên tên đề án phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Với đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, ông Tân lưu ý, cần xây dựng theo tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo, truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng về việc giao TP.HCM xây dựng ba đề án: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; lập Thành phố Thủ Đức và đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2021. Hiện TP.HCM đã xây dựng các đề án theo yêu cầu. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề nghị TP.HCM khẩn trương triển khai đề án để đáp ứng được tiến độ, yêu cầu đề ra.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tphcm-co-gi-dac-biet-ar569387.html