Mô hình CSA hỗ trợ lớn cho vụ đông xuân

Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này nông dân các HTX trong tỉnh đã đăng kí sản xuất hơn 700 ha lúa, 38 ha lạc, 16 ha rau… theo mô hình 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu' (CSA) với hơn 3.000 hộ tham gia vụ sản xuất đông xuân 2019-2020. Đây là nội dung quan trọng của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tại Quảng Trị.

 Nông dân huyện Vĩnh Linh cày ruộng chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân theo mô hình CSA

Nông dân huyện Vĩnh Linh cày ruộng chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân theo mô hình CSA

Theo lịch thời vụ, vụ sản xuất đông xuân 2019-2020 đến ngày 5/1/2020 sẽ xuống giống lúa trà đầu, nhưng chủ trương của ngành nông nghiệp, nông dân các địa phương cần làm đất sớm để tiêu diệt nguồn gây bệnh cho lúa. Hiện đã có hơn 60% diện tích ruộng vụ đông xuân được nông dân cày lật gốc rạ.

Để sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân đắp bờ giữ nước trong ruộng, khẩn trương bón vôi và cày lật gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng nhằm cải tạo đất, đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ. Thực tế trên đồng ruộng ở nhiều địa phương tình trạng cỏ dại, cỏ chét đang mọc nhiều. Bên cạnh đó năm nay hầu như chưa có lũ lụt lớn xuất hiện, nhiều khả năng chuột phát triển gây hại mạnh trong thời gian đến, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và bùng phát dịch hại. Đề nghị này của chi cục cũng được áp dụng cho ruộng mô hình CSA.

Là một huyện sản xuất nông nghiệp, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh đánh giá rất cao mô hình CSA mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang giúp nông dân thực hiện. Ông Quảng đề nghị các HTX trên địa bàn huyện khẩn trương thực hiện mô hình CSA theo lịch thời vụ.

Ông Lý Quốc, Giám đốc HTX Kỳ Lâm, xã Gio Quang cho biết, vụ hè thu 2019 HTX có 35 hộ dân làm 12 ha ruộng mô hình CSA, lúa đạt năng suất, chất lượng cao. Dự án đã chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cũng như kinh phí mua giống, phân bón, chế phẩm vi sinh rất nhiều nên nông dân rất phấn khởi. Vụ đông xuân 2019-2020 HTX Kỳ Lâm đăng kí nâng diện tích lên 15 ha lúa mô hình CSA cho các hội viên sản xuất với giống lúa Bắc thơm 7.

Chủ nhiệm HTX Vinh Quang Hạ Trần Văn Kim cho biết năng suất vụ lúa mô hình vụ hè thu vừa qua đạt trung bình hơn 56 tạ/ ha. Vụ sản xuất đông xuân này ông đăng kí 20 ha mô hình CSA cho xã viên tham gia sản xuất cũng với giống lúa Bắc thơm 7. Diện tích trồng lúa của xã Gio Quang có 443 ha, tất cả đều trồng lúa chất lượng cao, ngắn ngày. Vụ sản xuất này xã động viên các HTX tiếp tục làm lúa theo mô hình CSA để sản xuất ra hạt gạo chất lượng cao, trở thành hàng hóa. Những vụ vừa qua nhờ sản xuất mô hình CSA đồng bộ từ giống, làm đồng, thu hoạch và chế biến, kết nối thị trường nên sản phẩm dễ tiêu thụ, nông dân có việc làm, thu nhập được nâng cao.

HTX Sa Trung, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh là đơn vị đăng kí sản xuất lúa theo mô hình CSA vụ đông xuân lớn nhất Quảng Trị với diện tích 79 ha với 250 xã viên tham gia, trong đó có 26 ha gieo cấy giống lúa HN6, 50 gieo giống Thiên ưu 8. Ông Hà Văn Thiện, Giám đốc HTX cho biết các xã viên rất hào hứng với lúa mô hình CSA nên nhiều người đăng kí tham gia mô hình. Các xã viên HTX đã xuống đồng cày được hơn 80% diện tích ruộng lúa vụ đông xuân.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hữu Tâm cho biết, sau hai năm triển khai thực hiện dự án đã hỗ trợ xây dựng được 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thực hành CSA, trong đó 6 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Ngoài ra còn 6 mô hình sản xuất cây trồng cạn gồm lạc, ngô, đậu xanh…áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa; mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và hai mô hình tưới tiết kiệm trên cây tiêu.

Giai đoạn 2019-2020 cần đẩy nhanh việc nhân rộng thực hành dự án CSA trên cây lúa và cây trồng cạn để đạt diện tích ngày càng lớn hơn. Vì vậy, vụ sản xuất đông xuân này chi cục tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ các nội dung cho mô hình nhân rộng như giống, các loại vật tư đạm nhả chậm, chế phẩm vi sinh, thiết bị sạ hàng, lên luống, gieo hạt, thiết bị tưới. Đối với cây lúa hỗ trợ 50% công cụ sạ hàng; 50% giống, 30% vật tư phân bón nhả chậm, 50% chế phẩm xử lí rơm rạ. Với cây màu hỗ trợ 50% công cụ gieo hạt lạc, đậu xanh và ngô , 70% giống lạc, đậu xanh và ngô đảm bảo phẩm cấp, 30% phân bón nhả chậm, 100% chế phẩm vi sinh và 100% bạt phủ nilon. Với cây rau hỗ trợ 50% hệ thống tưới tiết kiệm, 50% thiết bị như khay gieo hạt, khay đựng sản phẩm, lưới đen, 50% giống rau mới đảm bảo phẩm cấp, 100% chế phẩm vi sinh…Chi cục đang tiếp tục chỉ đạo các HTX trên toàn tỉnh thực hành mô hình cần khẩn trương cày đất làm đồng kịp thời vụ. Thực hành mô hình này nông dân phải chọn giống chất lượng tốt để đạt năng suất, sản lượng cao.

Vụ sản xuất đông xuân 2019-2020 toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 23.500 ha lúa (gồm ruộng mô hình CSA) trong đó có 80% diện tích lúa chất lượng cao. Các địa phương cần thực hiện đúng cơ cấu giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, nên sạ cùng trà, cùng loại giống trên từng cánh đồng để dễ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, dễ chăm sóc, thu hoạch và hạn chế sâu bệnh gây hại.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144357