Mô hình 'Đại học xanh' lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Mô hình 'Đại học xanh' tại Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy phát triển bền vững giáo dục và người học.

Sinh viên hào hứng với những hoạt động "xanh". Ảnh: Thùy Linh.

Sinh viên hào hứng với những hoạt động "xanh". Ảnh: Thùy Linh.

Theo đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa tổ chức Tổng kết 5 năm thực hiện Đại học xanh giai đoạn 2019 - 2024.

Chương trình được triển khai từ tháng 5/2019, theo 3 giai đoạn: Nhận thức xanh (2018-2022), Hành động xanh (2022-2026) và Văn hóa xanh (2026-2030) với mục tiêu nâng cao nhận thức và phát triển môi trường học đường, xây dựng lối sống văn minh, góp phần giáo dục định hướng cho người học.

GS. TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với phương châm "trồng cây gây văn hóa", các hoạt động trong khuôn khổ chương trình là phương thức để tập thể sư phạm nhà trường lan tỏa những giá trị tốt đẹp, hình thành văn hóa của người nhân văn, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.

 GS. TS Ngô Thị Phương Lan trao bằng khen cho các cá nhân có đóng góp nổi bật. Ảnh: NTCC.

GS. TS Ngô Thị Phương Lan trao bằng khen cho các cá nhân có đóng góp nổi bật. Ảnh: NTCC.

"Mỗi người từ mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ đóng góp giá trị về sự phát triển bền vững của môi trường. Môi trường đại học không chỉ là nơi trao truyền kiến thức mà còn trao truyền những giá trị, góp phần hình thành nên những phẩm cách của người học. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và đặc biệt là của các thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục dẫn dắt xã hội trong tương lai", GS Lan nhấn mạnh.

Chia sẻ những kết quả đạt được, TS Phạm Thanh Duy - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp cho biết, chương trình Đại học Xanh đã được triển khai sâu rộng, có giải pháp và kế hoạch rõ ràng.

 TS Phạm Thanh Duy - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp báo cáo các hoạt động trong những năm tới. Ảnh: NTCC.

TS Phạm Thanh Duy - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp báo cáo các hoạt động trong những năm tới. Ảnh: NTCC.

Những hoạt động nổi bật như chương trình "Người Nhân Văn xây dựng Đại học xanh" thu hút nhiều viên chức, người lao động và người học tham gia hoạt động tái tạo cảnh quan khuôn viên trường, sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng như ly thủy tinh, túi vải; nghiệm thu các công trình mới như công viên Hồ Ánh Dương được khánh thành vào tháng 11/2022, tạo không gian xanh cho sinh viên.

Đồng thời, lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 do UBND TPHCM tổ chức, diễn ra tại cơ sở Thủ Đức, góp phần mang lại nơi học tập và làm việc lý tưởng cho sinh viên và cán bộ, giảng viên.

 Quyển sổ tay do chính sinh viên của trường biên soạn, cùng sự cố vấn của thầy cô và các chuyên gia phát triển bền vững. Ảnh: Thùy Linh.

Quyển sổ tay do chính sinh viên của trường biên soạn, cùng sự cố vấn của thầy cô và các chuyên gia phát triển bền vững. Ảnh: Thùy Linh.

Trong dịp này, La Bàn Xanh – sổ tay hướng dẫn thực hành lối sống bền vững cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) được xuất bản.

Sổ tay giới thiệu các mục tiêu phát triển bền vững, hướng dẫn sinh viên thực hành lối sống xanh trong sinh hoạt hàng ngày như việc giảm thiểu rác thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-hinh-dai-hoc-xanh-lan-toa-nhung-gia-tri-tot-dep-post714229.html