Mô hình điểm 'Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh'
Vấn đề dinh dưỡng học đường thời gian qua nhận được sự quan tâm của các tổ chức và xã hội, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức về dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, bài toán về dinh dưỡng hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết được, bởi chưa có sự kết hợp với các hoạt động thể lực phù hợp.
Mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” do Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chủ trì triển khai, với sự tham gia hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Ban điều phối Đề án 641, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Đại học Sư phạm Thể dục - Thể thao TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh.
Thông qua can thiệp dinh dưỡng sớm bằng cách xây dựng bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng, song song với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và kết hợp hoạt động thể lực, nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, sức khỏe phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây, phát triển trí tuệ và tầm vóc của trẻ em, học sinh.
10 tỉnh, thành phố (đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau) được chọn làm điểm cho học sinh mẫu giáo và tiểu học, gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang trong năm học 2020-2021 (từ tháng 8-2020 đến tháng 5-2021).
Mô hình đã khảo sát và xây dựng được 4 bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với 2 nhóm tuổi: 2 bộ thực đơn thu đông, 2 bộ thực đơn xuân hè (gồm 20 thực đơn/bộ) dựa trên ẩm thực vùng miền và ưu tiên các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Đồng thời, đã cung cấp cho các trường tham gia 2 nhóm bài tập tăng cường hoạt động thể lực phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho trẻ. Từ năm 2021 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của mô hình.
Bộ phận chăm sóc tất bật chuẩn bị bữa ăn theo mô hình
Bữa ăn học đường của trẻ em mẫu giáo, bao gồm: 1 bữa chính và 1 bữa phụ đáp ứng 50-55% nhu cầu năng lượng/ngày. Bữa ăn học đường của trẻ em tiểu học, bao gồm: 1 bữa chính (đáp ứng 30-40% nhu cầu năng lượng/ngày) và 1 bữa phụ (đáp ứng 5-10% nhu cầu năng lượng/ngày. Thực đơn cân đối về tỷ lệ chất đạm, chất béo, chất đường bột. Sử dụng hợp lý lượng đường, muối cho từng món ăn.
Thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo tính khoa học, cân đối, phối hợp thực phẩm, đa dạng các món ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp với trẻ em: bữa trưa có trên 10 loại thực phẩm từ 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Bữa phụ sử dụng sữa và chế phẩm sữa để cải thiện khẩu phần Can-xi.
Song song với việc triển khai thí điểm bộ thực đơn, Ban điều hành đã triển khai hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em thông qua các bài học về môi trường xung quanh, giới thiệu các món ăn để giúp trẻ nhận biết về thực phẩm và nhóm thực phẩm, món ăn, vai trò của các nhóm thực phẩm đối với sức khỏe; tại sao cần ăn đa dạng thực phẩm, cách nhận biết các thực phẩm không lành mạnh, thực phẩm không an toàn, cách đọc nhãn mác... Việc rèn luyện thể chất đã được triển khai theo giáo trình của các chuyên gia. Trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học được khuyến cáo hoạt động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Các khẩu phần ăn được hoàn chỉnh trước khi học sinh vào ăn
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Lê Lợi Nguyễn Trọng Nho đánh giá: “Từ khi đưa mô hình vào áp dụng, quy trình công việc khoa học hơn. Trong đó, chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của học sinh được nâng cao hơn. Đặc biệt, trong thực đơn mỗi ngày của các em học sinh có đến hơn 10 loại thực phẩm kết hợp, do đó mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng là một cấu phần quan trọng trong khẩu phần cả ngày của trẻ học đường.
Đây là giải pháp để cải thiện khả năng tăng trưởng ở trẻ em học đường, giảm các bệnh mạn tính không lây… Sau thời gian áp dụng thí điểm thực hiện mô hình nhà trường rất phấn khởi khi đa phần nhận được nhiều ý kiến tốt và đồng tình ủng hộ từ cán bộ lẫn phụ huynh học sinh. Qua đó mong rằng, mô hình này sẽ được áp dụng, nhân rộng ra ở các trường bán trú khắp các tỉnh, thành phố cả nước”.