Mô hình 'Dòng họ tự quản về an ninh trật tự' góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp
Trải qua 5 năm hoạt động, mô hình 'Dòng họ Rmah tự quản về an ninh trật tự' đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, dòng họ cũng không có thành viên vi phạm pháp luật.
Huyện Ia Pa là huyện thuần nông, nằm phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, người dân tộc thiểu số chiếm trên 75% dân số. Trên toàn huyện hiện đã xây dựng, duy trì 18 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, mô hình “Dòng họ Rmah tự quản về an ninh trật tự” tại xã Ia Mrơn là mô hình hoạt động rất hiệu quả, góp phần tích cực giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Thượng tá Hoàng Sỹ Thuật, Phó Trưởng Công an huyện Ia Pa cho biết: Qua công tác nắm địa bàn, Công an huyện nhận thấy vai trò của già làng, người uy tín, trưởng dòng họ với quần chúng nhân dân là rất lớn. Do đó, đơn vị đã tiến hành rà soát, lựa chọn dòng họ Rmah tại thôn Ma Rin 1, 2, 3 thuộc xã Ia Mrơn (chiếm 30% dân số ở địa phương) làm điểm để xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự.
Mô hình được xây dựng với mục tiêu tổ chức tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, nỗ lực học tập để đạt thành tích cao, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn, không vi phạm pháp luật và hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tham gia tố giác tội phạm… Năm 2019, mô hình “Dòng họ Rmah tự quản về an ninh trật tự” được thành lập với tổng số 222 hộ, 600 nhân khẩu tham gia. Quá trình hoạt động, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân. Đến nay, mô hình đã có 277 hộ với 745 nhân khẩu tham gia.
Ông Siu Brul (SN 1957, dân tộc Jrai, có vợ là bà Rmah HBrư), Trưởng dòng họ Rmah cho hay: Lúc mới thành lập mô hình, nhiều người thắc mắc tham gia có được lợi gì không. Chúng tôi đã kiên trì giải thích và sau vài lần sinh hoạt, các thành viên đã hiểu rõ được mục đích của mô hình nên tham gia tích cực hơn.
Cũng theo ông Siu Brul, từ khi thành lập đến nay, trong dòng họ không có thành viên nào vi phạm pháp luật; các mâu thuẫn giữa các hộ gia đình trong dòng họ được giải quyết kịp thời, dứt điểm, không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước ở địa bàn, tính đến năm 2024 có tổng số 212 hộ được công nhận gia đình văn hóa.
Thiếu tá Lê Đình Hải, Trưởng Công an xã Ia Mrơn chia sẻ: Công tác quản lý, giáo dục con em của dòng họ Rmah thời gian qua đạt hiệu quả rất tích cực, dòng họ không có thành viên vi phạm pháp luật. Từng hộ gia đình cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục để tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập, nâng cao trình độ, phát triển kinh tế gia đình, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mô hình đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn với tổng số 2.645 lượt thành viên tham gia nhằm phổ biến giáo dục pháp luật, nhắc nhở con cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương cũng như học tập, lao động, sản xuất kinh tế giỏi… để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Quá trình hoạt động của mô hình, dòng họ Rmah đã chủ động rà soát hoàn cảnh kinh tế, nhu cầu chính đáng của từng thành viên để đề xuất các cấp hỗ trợ, giúp ổn định cuộc sống. Qua đó, đã có 10 hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ cấp 10 con bò; hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội đối với 89 hộ; 25 hộ gia đình được hợp đồng canh tác đất 5% của xã để trồng lúa hằng năm…
Nhờ đó, dòng họ Rmah tại xã Ia Mrơn từ chỗ sản xuất thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn thì đến nay, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của bà con đã cải thiện rõ rệt. Trong dòng họ cũng đã có con em công tác trong cơ quan nhà nước với 6 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 32 giáo viên, 1 lãnh đạo Công an huyện, 4 công chức xã…
Không chỉ thực hiện tốt phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, các thành viên của mô hình đã cùng Công an xã tham gia tuần tra phòng, chống tội phạm trên địa bàn 126 lượt với tổng số 346 lượt thành viên tham gia; phối hợp 55 lượt tham gia vận động quần chúng nhân dân đăng ký cấp CCCD, định danh điện tử; phối hợp cùng địa phương hòa giải, giải quyết các vụ việc phát sinh như: mâu thuẫn gia đình, thủ tục mê tín, dị đoan…với tổng số 163 lượt; phối hợp tuyên truyền, giáo dục các trường hợp thanh, thiếu niên hư hỏng, phòng ngừa dẫn đến vi phạm pháp luật với 76 lượt. Qua đó, các vụ việc đã được giải quyết triệt để, kịp thời ngay khi vừa phát sinh, không để hình thành điểm nóng.
Ông Lương Văn Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mrơn thông tin: Từ khi triển khai mô hình đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định hơn trước. Dòng họ Rmah đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của địa phương, các thành viên trong dòng họ cũng thường xuyên đổi công, giúp đỡ nhau thu hoạch mùa màng, phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mrơn đánh giá: Bản thân ông Siu Brul là trưởng dòng họ, người có uy tín nên bà con rất tin theo. Ông Brul cùng các hộ khá giả trong dòng họ đang cho các hộ khó khăn mượn đất, nuôi rẽ bò để phát triển kinh tế. Địa phương đánh giá mô hình này là rất thiết thực, hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Sỹ Thuật, Phó Trưởng Công an huyện Ia Pa tâm đắc: Mô hình “Dòng họ Rmah tự quản về an ninh trật tự” đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật từ cơ sở, đặc biệt ngay từ trong dòng họ. “Đây là mô hình triển khai lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, có sức lan tỏa mạnh mẽ qua các dòng họ khác và ảnh hưởng, lan tỏa tích cực đến các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, tạo hiệu ứng tích cực góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và có thể tiếp tục nhân rộng trong thời gian đến”, Thượng tá Thuật nói.