Mô hình giúp sinh viên thực hành lắp ráp máy tính
Làm thế nào để học sinh, sinh viên có thể lựa chọn linh kiện phù hợp và tự tay lắp ráp được một bộ máy vi tính hoàn chỉnh? Làm thế nào để việc giảng dạy lý thuyết và thực hành cho module nghề xử lý dữ liệu, quản trị mạng ở trình độ trung cấp, cao đẳng được hiệu quả?
Đó là những câu hỏi đã giúp cho 2 giảng viên: Phạm Thế Phong, Trương Anh Tuấn (Khoa Công nghệ thông tin Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi, huyện Trảng Bom) sáng tạo nên mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính.
Cấu tạo của mô hình gồm 3 khối, được thiết kế trên một chiếc bàn tương tự như bàn học, trong đó, khối thứ nhất là các ngăn bàn chứa linh kiện, thiết bị và công cụ lắp ráp. Các linh kiện này được sắp xếp ngăn nắp, có dán nhãn ghi tên các thiết bị giúp cho người học lựa chọn nhanh chóng và chính xác. Khối thiết bị dàn trải được bố trí trên một mặt phẳng đứng giống như chiếc bảng. Các thiết bị, linh kiện được dàn trải một cách khoa học, hợp lý và có dán nhãn chi tiết, giúp người học nhanh chóng nhận biết các thiết bị một cách trực quan. Cuối cùng là khối thực hành lắp ráp thiết bị máy tính, chính là mặt bàn.
Để hỗ trợ người học trong việc thực hành, lắp ráp máy tính, nhóm tác giả còn viết một phần mềm hỗ trợ xây dựng cấu hình, mô phỏng lắp ráp máy tính. Đây là môi trường thực hành ảo cho người học.
ThS.Phạm Thế Phong cho biết: “Với mô hình này, học sinh, sinh viên không chỉ tìm hiểu được về tính năng, công dụng, cấu tạo của các thiết bị phần cứng máy tính mà còn có thể tự học, tự kiểm tra kiến thức, tự lắp ráp trên phần mềm mô phỏng, đồng thời người học có thể lựa chọn được thiết bị tương thích để lắp ráp. Từ đó có thể lắp ráp và cài đặt được bộ máy vi tính hoàn chỉnh mà không cần sự trợ giúp của người khác”.
Mô hình này có thể sử dụng để giảng dạy lý thuyết, dùng trong thực hành cho module nghề xử lý dữ liệu, quản trị mạng, trong đó có 3 môn học có thể áp dụng gồm: cấu trúc máy tính, lắp ráp máy tính và bảo trì máy tính.