Mô hình góp vốn bằng vàng giúp dân nông thôn vươn lên ở Cà Mau

Sau mỗi vụ lúa, nhiều chị em phụ nữ xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tranh thủ sắm vàng để góp vốn giúp đỡ nhau vươn lên. Có những gia đình xây được nhà cửa khang trang; có hộ mua được đất, có hộ lo cho con cái học hành thành tài nhờ mô hình góp vốn bằng vàng.

Vào năm 2008, gia đình chị Nguyễn Thị Đượm (ở ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) được nhận vàng từ tổ góp vốn bằng vàng. Nhờ số vàng hơn 3 lượng từ tổ góp vốn, cộng thêm tiền tích góp đã giúp gia đình chị xây được ngôi nhà mơ ước lâu nay. Ngôi nhà khang trang rộng 120m2 gia đình chị vẫn tiếp tục ở đến nay. Vừa qua, lại đến lượt gia đình được nhận vốn bằng vàng, lần này chị Nguyễn Thị Đượm dùng để mua đất

"Nay là buổi hùn vàng, tôi nhận được 1,6 cây vàng. Tôi sử dụng số vàng này để mua miếng đất cho con, cùng với tiền gia đình tích góp nữa. Trước đây, gia đình tôi tham gia vào việc hùn vốn bằng vàng này lâu rồi. Lần đó tôi dùng cất được cái nhà 120 m2"- chị Đượm cho biết.

Cứ đến khi góp vốn mọi người cùng mang vàng lại góp, người nhận vàng phải làm cam kết

Cứ đến khi góp vốn mọi người cùng mang vàng lại góp, người nhận vàng phải làm cam kết

Tại xã Trần Hợi hiện có 23 tổ góp vốn bằng vàng, mỗi tổ có khoảng 15 thành viên. Các tổ viên tự thỏa thuận số vàng góp nhưng thường từ 1 – 2 chỉ cho mỗi lần góp; mỗi năm cũng sẽ góp 1 - 2 lần, thường sau thời điểm thu hoạch lúa.

Ở vùng nông thôn canh tác lúa như xã Trần Hợi, người dân khó huy động số tiền lớn để phát triển kinh tế. Mô hình hùn vốn bằng vàng đã giúp khắc phục được khó khăn này. Mỗi lần hùn vốn, gia đình chị em được góp sẽ có được khoảng 1,5 đến hơn 3 lượng vàng nên có thể làm được những công to, việc lớn hơn. Có rất nhiều gia đình xây được nhà, mua được đất, mở rộng kinh doanh buôn bán hoặc nuôi con cái ăn học thành tài nhờ mô hình góp vốn bằng vàng.

Chị Lê Thị Gấm (ở ấp 1, xã Trần Hợi) - người đã tham gia mô hình góp vốn bằng vàng nhiều năm - chia sẻ: "Chỗ tôi có 15 chị em đăng ký cùng hùn vàng thành 1 tổ, mỗi người sẽ hùn 2 chỉ vàng. Sau khi hùn thì mình sẽ có được 3 cây vàng. Từ nguồn thu nhập từ trồng lúa hàng năm, mỗi vụ thì tích cóp được ít thì mình để dành tới đợt mình hùn, theo định kỳ là hùn 2 lần/năm, giúp phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ."

Mô hình góp vốn bằng vàng đã giúp nhiều người dân ấp 1 xã Trần Hợi xây được nhà, mua thêm được đất

Mô hình góp vốn bằng vàng đã giúp nhiều người dân ấp 1 xã Trần Hợi xây được nhà, mua thêm được đất

Những mô hình góp vốn bằng vàng manh nha phát triển tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời từ khoảng năm 2008. Mô hình có hiệu quả rất thiết thực nên ngày càng được nhân rộng. Chị Trần Kim Đào, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trần Hợi cho biết, tổ góp vốn bằng vàng khác với hình thức chơi hụi. Mô hình không có người làm chủ, đứng ra thu rồi hưởng tiền từ người hốt hụi. Chị em trong tổ góp vốn cùng xây dựng lên quy tác, mỗi người thuần túy góp vốn bằng vàng như nhau, tới đợt góp ai chưa cần thì sẽ không tham gia bốc thăm, còn lại những người khác tham gia bốc thăm để tìm người nhận được số vàng góp.

"Quy tắc của mỗi tổ hùn vốn phải báo về xã xem có đảm bảo hợp lý mới cho mở tổ hùn vốn. Quy tắc là chị em muốn vô tổ góp vốn bằng vàng thì phải có nhà ở ổn định trên địa bàn, phải có đất sản xuất. Vàng hùn được quy định tại 1 tiệm cố định trên địa bàn xã. Được hùn vốn thì phải có chồng đi theo và hai vợ chồng phải làm cam kết có nhận vàng của Tổ phụ nữ, số vàng bao nhiêu và cả hai vợ chồng ký tên mới được nhận về." - chị Đào cho biết.

Hiện mô hình góp vốn bằng vàng đã lan tỏa ra một số địa phương khác trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Toàn huyện hiện có 67 tổ góp vốn bằng vàng, với 570 thành viên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời còn phát triển hơn 700 tổ hùn vốn tiết kiệm bằng tiền với số vốn xoay vòng hơn 2 tỉ đồng để hỗ trợ các chị em phụ nữ phát triển kinh tế.

Trần Hiếu / VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mo-hinh-gop-von-bang-vang-giup-dan-nong-thon-vuon-len-o-ca-mau-post1116415.vov