Mô hình lúa chất lượng cao giúp giảm 30% chi phí, giảm phát thải

Thực tế thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy, chi phí sản xuất của nông dân giảm khoảng 30% so với cách canh tác truyền thống. Nhờ đó, lợi nhuận của người trồng lúa tăng, đây là lần đầu tiên nông dân trồng lúa theo quy trình sạch, giảm phát thải.

Ngày 29/8, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) - Trần Thanh Nam đã trực tiếp khảo sát mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại tỉnh Đồng Tháp. Mô hình thí điểm này thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ NN&PTNT thí điểm triển khai.

Mô hình của Đồng Tháp được thí điểm với diện tích gần 50ha, với 24 hộ nông dân sản xuất lúa, thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười). Dự kiến, khoảng 30 ngày nữa đồng lúa sẽ thu hoạch.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình thí điểm triển khai trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hòa Hội

Nông dân tham gia trồng lúa theo mô hình mới được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư như giống, phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ, tiền thuê máy sạ, thiết bị bay phun thuốc; 50% còn lại từ nguồn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết, lịch ích rõ nhất khi trồng lúa theo mô hình mới là chi phí giảm 30% so với cách canh tác lúa truyền thống. Đồng thời, đồng lúa cũng giảm thải môi trường, nông dân sau khi thu hoạch đem rơm rạ ra khỏi đồng ruộng thay vì đốt như trước. Cùng với đó, HTX ký kết doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sau thu hoạch.

"Lần đầu tiên làm theo quy trình trồng lúa sạch, giảm phát thải nên lúc đầu bà con hoang mang, không biết làm có đạt năng suất không hay thua lỗ. Kết quả đạt được trên đồng ruộng tới nay khá an tâm, năng suất có thể đạt trên 6,5 tấn/ha. Thấy lợi ích mang lại, nhiều bà con cũng xin tham gia, dự kiến vụ tới sẽ mở rộng lên 149ha", ông Hùng nói. Đặc biệt, áp dụng phương thức sản xuất mới, bà con nhận thức cao hơn trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua điện thoại thông minh.

Theo tính toán, tham gia vào dự án, bình quân giá thành sản xuất khoảng 3.500 đồng/kg lúa, giá bán ra hiện khoảng 8.500 đồng/kg, nông dân còn lời khoảng 5.000 đồng/kg lúa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam xem sơ đồ tổng quan mô hình. Ảnh: Hòa Hội

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam xem sơ đồ tổng quan mô hình. Ảnh: Hòa Hội

Thứ trưởng NN&PTNT - Trần Thanh Nam cho rằng, bước đầu có tín hiệu mừng là nông dân tự nguyện xin vào tham gia mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tham gia vào mô hình nông dân giảm 30% chi phí sản xuất, đã hình thành rõ hơn cơ chế liên kết sản xuất - tiêu thụ. Do đó, sau thí điểm, các đơn vị cần hoàn chỉnh mô hình để nhân rộng.

"Tiến tới, người nông dân sẽ tự lực tham gia, không phải nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Nhà nước chủ yếu hỗ trợ hạ tầng thủy lợi, còn tất cả người dân tự làm, tự thấy lợi ích tham gia”, ông Nam nói. Theo ông Nam, sau mô hình này, các kinh nghiệm cần được rút ra từ thực tế của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Làm cơ sở để cơ quan quản lý có hướng chỉ đạo triển khai mở rộng, sớm hình thành 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện tại lúa đang trong giai đoạn trổ bông, khoảng 1 tháng nữa thu hoạch. Ảnh: Hòa Hội

Hiện tại lúa đang trong giai đoạn trổ bông, khoảng 1 tháng nữa thu hoạch. Ảnh: Hòa Hội

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mo-hinh-lua-chat-luong-cao-giup-giam-30-chi-phi-giam-phat-thai-post1668187.tpo