Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu
'Xu hướng toàn cầu đã chuyển sang phương pháp 'Thích nghi', chấp nhận sự tăng của CO2, nhiệt độ và phát triển biện pháp phòng chống thiên tai, quản lý lưu vực'- GS. Mitsuhiro Maeda – Viện AIIT Nhật Bản - chia sẻ.
Mô hình mới về chống biến đổi khí hậu
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu” vừa diễn ra, do Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến (AIIT) Nhật Bản phối hợp tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam.
Theo GS. Mitsuhiro Maeda - Viện AIIT Nhật Bản - trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thế giới đã sử dụng hai phương pháp, là Giảm thiểu (Mitigation) và Thích nghi (Adaptation). Giảm thiểu là phương pháp làm giảm sự tăng của CO2 và nhiệt độ trái đất, nhưng phương pháp này không thể kỳ vọng kết quả, ngay cả khi đã đầu tư kinh phí lớn.
“Do đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2022-COP27, xu hướng toàn cầu đã chuyển sang phương pháp Thích nghi. Đây là phương pháp chấp nhận sự tăng của CO2 và nhiệt độ, và phát triển biện pháp phòng chống thiên tai và Quản lý lưu vực là một trong những chiến lược hiệu quả nhất thuộc nhóm Thích nghi" - GS. Mitsuhiro Maeda chia sẻ.
Ông Yoshiyuki Ito - Bộ phận Quy hoạch đô thị, Công ty CTI Engineering (Nhật Bản) - tham luận trực tuyến từ điểm cầu Nhật Bản
Từ điểm cầu Nhật Bản, ông Yoshiyuki Ito - Bộ phận Quy hoạch đô thị, Công ty CTI Engineering (Nhật Bản) - đề xuất: Dựa trên các cứ liệu về việc cần phát triển đô thị cân bằng giữa việc tăng cường đa dạng hệ sinh thái và thích nghi với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị phải dựa trên việc tăng cường hệ sinh thái lưu vực.
Ông Yoshiyuki Ito cho rằng, tập trung vào lưu vực sẽ cho phép phân bổ hiệu quả hơn nguồn vốn phát triển đô thị; thêm vào đó, phát triển cơ sở hạ tầng để ứng phó với các thảm họa ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi chi phí cao hơn so với phát triển cơ sở hạ tầng thông thường. Do đó, sự kết hợp giữa Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Nhật Bản (ODA) và nguồn vốn tư nhân địa phương có thể hiện thực hóa các dự án có chi phí cao này trong khi vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng kinh tế”- ông Yoshiyuki Ito chia sẻ.
Việt Nam mất khoảng 12%-14,5% GDP mỗi năm do biến đổi khí hậu
Bên cạnh các nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nền tảng không gian địa lý cho việc quản lý rác thải nhựa trên địa bàn TP Đà Nẵng; khảo sát thực địa về mức độ tiếp xúc với tiếng ồn của người điều khiển xe máy, các đại biểu cũng đề xuất phương pháp “quản lý lưu vực” như một mô hình mới cho chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; xây dựng tuyến đường sắt mới sử dụng tàu hỏa chạy pin để giảm chi phí đầu tư và cắt giảm lượng khí CO2,…
Quang cảnh hội thảo
Ông Lương Minh Sâm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á – cho biết, biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách, đặc biệt đối với Việt Nam. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12%-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
"Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, như giáo dục, y tế, bình đẳng giới, đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên thiên nhiên, sang một nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon. Để đạt được mục tiêu này, cần thay đổi trong các chính sách, chiến lược, công nghệ, đầu tư và hành vi người dân, nên cần có nhiều nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất mô hình và giải pháp, giúp cho Chính phủ có những chính sách, giải pháp mang tính khoa học và hiệu quả” - ông Lương Minh Sâm nói.
Đại học Đông Á và Viện AIIT Nhật Bản ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu
Tại hội thảo, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu cũng được ký kết giữa Đại học Đông Á và Viện AIIT Nhật Bản. Theo đó, hai phía thúc đẩy để cùng phát triển hợp tác về học thuật, nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu, trao đổi giảng viên, trao đổi học liệu, ấn phẩm và các thông tin khoa học khác cũng như đồng tổ chức các hội thảo quốc tế ở các chủ đề khác nhau hằng năm.