Mô hình nhỏ - hiệu quả lớn

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam 20/10, tôi được dự một hội nghị triển khai mô hình điểm với tên gọi: 'Vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam' do Hội LHPN thị trấn Đạ Tẻh tổ chức tại Tổ dân phố 10.

Liên hoan văn nghệ mừng kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022 do Hội LHPN thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh tổ chức

Liên hoan văn nghệ mừng kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022 do Hội LHPN thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh tổ chức

Mở đầu hội nghị, bà Nguyễn Thị Sen - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn nhấn mạnh: “Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách con người. Là nơi mỗi người được học những tri thức văn hóa, bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Từ trong mỗi gia đình, nhiều giá trị cao đẹp cũng được bồi đắp như: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó, thủy chung, sự quan tâm, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ...

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ được gắn với sự phát triển bền vững của mỗi gia đình”.

Cũng tại hội nghị này, chia sẻ về những mô hình của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, bà Nguyễn Thị Tiếng Thơ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Tẻh cho biết: “Hội chúng tôi có rất nhiều mô hình kiểu như thế. Học tập và phát huy những mô hình của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây như: Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”..., các cấp Hội trong huyện đã vận dụng sáng tạo tinh thần đó vào mọi hoạt động và đem lại những kết quả rất phấn khởi trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng người phụ nữ mới, xây dựng cuộc sống mới”.

Tại Chi hội phụ nữ thôn Lộc Hòa, xã Đạ Lây, cán bộ và hội viên đã và đang đưa vào vận hành 5 mô hình từ mấy năm nay. Đó là Mô hình: “Tổ tiết kiệm giúp phụ nữ thoát nghèo” có 105 chị tham gia, đang có nguồn quỹ cho hội viên vay với 46 triệu đồng. Mô hình “Phân loại và xử lý rác bằng chế phẩm sinh học” có 15 hội viên thường xuyên làm việc. Mô hình “Biến rác thải nhựa thành học bổng Lê Thị Pha” giúp trẻ em nghèo học tập với 20 thành viên tham gia. Mô hình “Tổ hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế” có 36 hội viên tham gia với nguồn quỹ gần 130 triệu đồng. Và Mô hình “Nuôi heo đất” mới mở đợt đầu đã thu về hơn 60 triệu đồng.

Các Hội phụ nữ: Đạ Pal, Mỹ Đức, Quảng Trị, Đạ Kho và các tổ chức Hội trong huyện cũng học tập cách làm của phụ nữ Lộc Hòa, đang xây dựng mới và nhân rộng nhiều mô hình, tuy tên gọi khác nhau nhưng đều tập trung vào giúp nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm vườn… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, xây dựng cảnh quan thân thiện, xanh - sạch - đẹp.

Trong khi đó, Hội Phụ nữ xã Triệu Hải lại có nhiều sáng tạo trong xây dựng các mô hình, thu hút nhiều hội viên tham gia, tạo thành phong trào sâu rộng có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đó là các mô hình “Tuyến đường không rác”, “Nhà rác thân thiện”, “Hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh nghèo”, vào sáng thứ Hai hàng tuần, mỗi tháng chi hơn 40 ngàn đồng cho 10 cháu học cấp 1. Mô hình “Tân trang xe đạp cũ cho học sinh nghèo” được 33 chiếc và còn đang tiếp tục. Mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” trên đồng ruộng, Mô hình “Dựng cột cờ kiên cố” làm đẹp cảnh quan, với 600 cột trị giá 60 triệu đồng. Mô hình “Tiết kiệm mua bảo hiểm y tế” cho 12 người có hoàn cảnh đặc biệt, trên 10 triệu đồng.

Đặc biệt, có những mô hình rất gần gũi, thiết thực được xây dựng trong vùng phụ nữ dân tộc ít người, thuộc Hội Phụ nữ xã Đạ Pal, thị trấn Đạ Tẻh, xã Quốc Oai... được đông đảo hội viên và người dân hoan nghênh đón nhận, như: Mô hình “3 không” (không có bạo lực gia đình, không có xâm hại trẻ em, không có hôn nhân cận huyết thống); Mô hình “Chỉ tổ chức một tiệc duy nhất trong đám cưới” là những việc làm có tính đột phá trong xây dựng nếp sống văn hóa mới, đem lại sức sống mới cho những vùng quê mà trước đây vài năm còn là những hủ tục khó xóa bỏ.

Một số mô hình của phụ nữ xã Quảng Trị, thoáng nghe thấy lạ, nhưng lại có hiệu quả kinh tế mà đầu tư không tốn kém, như: Mô hình “Nuôi rắn ráo trâu”, mới triển khai nhưng đã có 500 con bố mẹ và trên 1.000 rắn thương phẩm hứa hẹn nguồn thu đáng kể. Mô hình “Nuôi ruồi Linh đen” của Phụ nữ xã Mỹ Đức để lấy trứng ruồi nuôi gà, phân ruồi làm phân bón. Chỉ mới 10 hộ tham gia nhưng thu nhập tới 30 triệu đồng/tháng/hộ.

Những nhân tố mới trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội của phụ nữ huyện Đạ Tẻh được ghi nhận, biểu dương phải kể đến như: Bà Nguyễn Thị Khời - Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 7, thị trấn Đạ Tẻh; bà Trần Thị Tố Tâm - Chi hội trưởng thôn Lộc Hòa; bà Tô Thị Cúc, Thôn 2, Quảng Trị; bà Nguyễn Thị Hằng, xã Mỹ Đức... Những con người ấy, những việc làm ấy chính là những “Người tốt, việc tốt” đang nảy nở hàng ngày.

Mô hình nhỏ mà hiệu quả lớn. Nhiều người nghèo đã vượt lên làm chủ cuộc sống của mình. Nhiều trẻ em nghèo được giúp đỡ để tiếp tục đến trường. Những mảnh đời cơ nhỡ được hỗ trợ kịp thời. Cảnh quan môi trường thay đổi làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhiều thôn, tổ dân phố được công nhận Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, văn hóa được nâng lên; sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ giúp nhau được tăng cường trong đời sống hàng ngày, trong đó phụ nữ đóng vai trò nòng cốt.

Những tấm gương bình dị ấy vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển trong các tổ chức Hội Phụ nữ, sẽ giúp cho cuộc đời đơm hoa kết trái, nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi con người. Có người nói: “Phụ nữ đến đâu là đẹp đấy” là rất chí lý.

NGUYỄN THƯỢNG THIÊM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202211/mo-hinh-nho-hieu-qua-lon-3144599/