Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện
Nhằm khai thác diện tích mặt nước của các hồ thủy điện, những năm qua, người dân sống ở ven lòng hồ thủy điện ở Thanh Hóa đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới, giúp ổn định đời sống bà con vùng lòng hồ.
Ổn định đời sống bà con vùng lòng hồ
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 21 dự án thủy điện đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, 6 dự án đã thi công xong và đi vào vận hành phát điện và 4 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, đang hoàn chỉnh hồ sơ để chuẩn bị tích nước phát điện vào cuối năm 2018... Nhiều công trình thủy điện hoàn thành đưa vào sử dụng đã và đang tạo ra diện tích mặt hồ lớn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển kinh tế trên các lĩnh vực: Nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch và thương mại. Những năm qua, cùng với việc khai thác đánh bắt thủy sản, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Mô hình nuôi cá lồng giúp ổn định đời sống bà con vùng lòng hồ thủy điện
Tại huyện Bá Thước, sau khi Thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, nhiều hộ dân sống ở ven lòng hồ thủy điện đã tận dụng diện tích mặt nước để phát triển nuôi cá lồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo. Toàn huyện Bá Thước hiện nay có 567 lồng cá của 493 hộ dân thuộc 5 xã ven lòng hồ thủy điện là: Tân Lập, Ái Thượng, Lâm Sa, Lương Ngoại, Ban Công. Trong đó, riêng xã Ái Thượng có 125 lồng cá của gần 100 hộ dân, với thu nhập bình quân đạt 80 đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu làm lồng bằng tre, nứa, luồng thì hiện nay nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã làm lồng bằng lưới quây vừa giảm chi phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tại huyện Thường Xuân, vùng lòng hồ Thủy điện Cửa Đạt được hình thành chính là điều kiện thuận lợi để địa phương hình thành nghề mới, như: Nuôi trồng, khai thác thủy sản và kết hợp du lịch sinh thái. Nhằm định hướng cho người dân tiếp cận với nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện, UBND huyện Thường Xuân đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, 30a để thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Cửa Đạt với 10 hộ dân xã Xuân Cẩm tham gia dự án. Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi thả cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Hiện tại, gần 20 hộ dân của xã Xuân Cẩm đã chuẩn bị lồng, bè và kỹ thuật nuôi thả cá lồng. Dự kiến, năm 2019 trên địa bàn huyện sẽ phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Cửa Đạt.
Hướng phát triển kinh tế mới
Đánh giá về tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện, các chuyên gia cho rằng, tận dụng diện tích nguồn nước mặt của các lòng hồ thủy điện để nuôi thả cá lồng chính là một hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ. Để nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương cần thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Đồng thời, mở rộng quy mô, đối tượng nuôi thả, ưu tiên những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá ké, cá trắm cỏ... Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Tăng cường công tác dự báo, phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản trong quá trình sản xuất…
Trên thực tế, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã được triển khai có hiệu quả tại các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… Tuy nhiên, đối với một huyện thuộc chương trình 30a như Bá Thước thì việc hình thành, phát triển một ngành nghề vừa tận dụng được tài nguyên đất đai, nguồn nước, vừa giải quyết bài toán việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ dân là một thành công lớn. Mô hình này sẽ là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn huyện Bá Thước nói riêng, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Giáng My
Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/mo-hinh-nuoi-ca-long-tren-long-ho-thuy-dien-109065.html