Mô hình nuôi gà giúp thành viên khởi nghiệp
Sau một thời gian chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Quý cùng một số hộ nuôi gà ở Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) nảy sinh ý tưởng hình thành tổ hợp tác (THT) nuôi gà để cùng nhau khởi nghiệp. Cùng với sự mở rộng về quy mô, THT đã phát triển lên thành HTX, giúp các thành viên làm giàu chính đáng.
Ông Quý cho biết từng nuôi gà trại hở hàng chục năm. Tuy nhiên, nuôi cách này người nuôi không chủ động được nhiệt độ nên trại lúc nóng, lúc ẩm ướt, lạnh, khiến gà rất dễ sinh bệnh, nguy cơ thất thu cao, chưa kể đầu ra cũng bấp bênh.
Sắp ra mắt bộ quà tặng gốm sứ cao cấp đến từ Nhật Bản
Nếu đến kỳ xuất bán mà không tiêu thụ được hết lại phải nuôi duy trì, gà ít tăng cân mà lượng thức ăn nuôi hàng ngày vẫn phải bảo đảm nên hiệu quả thấp. Sau khi tìm hiểu, học tập, ông và các thành viên quyết định hợp tác nuôi gà trại lạnh.
Nuôi gà lạnh
Năm 2015, tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Hội Nông dân xã, THT Nuôi gà Phát Tài mạnh dạn đầu tư dàn nuôi gà lạnh trị giá gần 2 tỷ đồng. Hệ thống chuồng trại rộng 1.200 m2 được đặt tại thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc. Đây là hệ thống chăn nuôi khép kín, hiện đại, bảo đảm được các yếu tố về môi trường, thú y và nhất là đáp ứng được đòi hỏi về chăn nuôi sạch.
Trại nuôi của THT hàng chục ngàn con nhưng không hề có tiếng ồn, mùi hôi. Đàn gà được nuôi trong nhà kín gắn hệ thống quạt, nước làm mát, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn, xung quanh nhà là vườn cây xanh rợp bóng mát.
Với trang thiết bị hiện đại, người nuôi có thể yên tâm khâu phòng bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lại hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường. “Gà được kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra; thức ăn, chuồng trại bảo đảm. Nhiệt độ được vận hành bằng bộ phận cảm ứng nhiệt và điều chỉnh theo độ tuổi gà. Từ khi gà 3 tuần tuổi, nhiệt độ được duy trì ổn định 26 - 27oC. Vì vậy, gà lớn nhanh, trọng lượng xuất chuồng hầu như không trồi sụt”, ông Hà Trọng Thân, thành viên THT, chia sẻ.
THT thả nuôi 12.000 con gà siêu thịt/lứa trên diện tích 1.200 m2, mỗi lứa 45 ngày, mỗi năm nuôi 4 lứa, khi xuất bán trọng lượng đạt 2,7 – 3 kg/con. Ngoài ra, nuôi gà trại lạnh còn tiết kiệm chi phí nhân công, do có hệ thống máng nước, khay để thức ăn theo dây chuyền. Vì vậy, mỗi trại chỉ cần vài nhân công vẫn làm hết mọi việc hàng ngày. Trại lạnh được xây dựng kiên cố, có thể sử dụng hàng chục năm, trong khi trại thường sau 2 - 3 năm đã xuống cấp.
THT còn ký kết với công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, được đơn vị này cung cấp gà giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và vệ sinh chuồng trại, đồng thời bao tiêu đầu ra. Các thành viên đầu tư cơ sở hạ tầng và công chăm sóc.
Với mức hỗ trợ đầu ra khoảng 3.600 đồng/con, được thưởng ở nhiều tiêu chí như: Đạt trọng lượng gà, tỷ lệ gà chết thấp hơn quy định… thu nhập từ phế phẩm của trại, tính ra, mỗi thành viên thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. “Việc chăn nuôi gia công giúp chúng tôi bảo đảm được yếu tố sạch về con giống, thức ăn, quy trình nuôi và nhất là không phải lo đầu ra sản phẩm”, ông Quý cho biết.
Quan trọng là đoàn kết
Năm 2017, hướng đến mục tiêu phát triển hơn nữa, các thành viên đã thống nhất thành lập HTX Nuôi gà Phát Tài, ông Quý được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Đây cũng là lúc hệ thống cho ăn tự động được đầu tư nhằm giải phóng sức lao động, hiệu quả kinh tế cũng từ đó tăng lên.
Chỉ trong năm đầu thành lập, với 4 lứa gà xuất chuồng, HTX đã thu về 2,7 tỷ đồng tiền lãi. Chia cho 10 hộ thành viên, mỗi hộ có thu nhập 270 triệu đồng.
Ông Trần Văn Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hiệp Bắc, cho biết mô hình nuôi gà của HTX Phát Tài phát huy hiệu quả trước hết là nhờ các thành viên đều là những người có kinh nghiệm, có kiến thức trong chăn nuôi gà về công tác quản lý mô hình kinh tế tập thể. Điều quan trọng, dù trong lúc khó khăn hay khi phát triển, các thành viên đều thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Không chỉ bảo đảm cuộc sống ổn định cho các thành viên, những năm qua, HTX còn tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Năm 2016 và 2017, các thành viên HTX đã đóng góp 27 ngày công và 16 triệu đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn; hiến tổng cộng 1.000 m2 đất để làm đường giao thông…
Chia sẻ về thành công bước đầu của HTX, ông Quý cho biết: “Đoàn kết là yếu tố quan trọng nhất. Khi mọi người gắn kết với nhau, cùng chung chí hướng thì những việc khó khăn đến mấy cũng được giải quyết. Kế đến là phải có kiến thức, kỹ năng, đồng thời phải thay đổi về tư duy chăn nuôi theo hướng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.