Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của một thương binh khiếm thị
Trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt, hai mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng bằng ý chí, nghị lực của người lính
Trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt, hai mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng bằng ý chí, nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, thương binh Phạm Văn Miên ở xã Giao Phong (Giao Thủy) đã nỗ lực vươn lên làm giàu với mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Năm 1982, chàng trai trẻ Phạm Văn Miên lên đường nhập ngũ ở chiến trường phía Bắc. Trong quá trình tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông đã bị thương và hai mắt vĩnh viễn không nhìn được nữa. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe ổn định hơn, năm 1987 ông Miên trở về quê hương Giao Thủy. Mang trong mình thương tật, sức khỏe suy giảm đi khá nhiều nhưng người thương binh ấy đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tạo dựng cuộc sống ấm no. Ông Miên cho biết: “Mỗi khi vết thương tái phát, cơn đau hành hạ, tôi thấy nhớ những đồng đội đã hy sinh. Vì vậy, còn sống, còn sức khỏe, tôi còn cố gắng, không phải chỉ cho mình mà còn cho gia đình, bạn bè, cho đồng đội. Trong cuộc sống hay công việc, tôi luôn tâm niệm và làm theo lời Bác dạy, đó là phải biết cần, kiệm. Cần, kiệm để tích lũy, để có điều kiện đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình một cách căn cơ, bài bản”. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, ông Miên đã mở cửa hàng tạp hóa để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Năm 2009, ông lại chuyển hướng sang kinh doanh thức ăn thủy sản. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển, ông cũng tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về nuôi tôm thẻ chân trắng hơn nữa, trong quá trình kinh doanh thức ăn thủy sản, ông Miên có thêm nhiều mối quan hệ để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2014, ông Miên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đào ao nuôi tôm. Quá trình nuôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đôi lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đúc kết được, với 16 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, trung bình mỗi năm ông thu hoạch được 8-10 tấn tôm, đều đặn làm ăn có lãi.
Tuy nhiên, quá trình nuôi tôm, ông Miên nhận thấy nuôi tôm ở ao đất vất vả, phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên đã chuyển hướng sang nuôi tôm công nghệ cao. Ông cho biết, nuôi tôm công nghệ cao tuy chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng vật tư có thể sử dụng lâu dài; có thể chống nóng, chống lạnh cho tôm, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ, sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ao nuôi tôm không bị phân tầng nước vào những ngày mưa lớn, vì vậy sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm. Nếu nuôi theo phương thức truyền thống thì một năm chỉ được 2 vụ, còn nuôi tôm công nghệ cao được 3 vụ/năm, năng suất cao hơn nhiều, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt hơn 90%. Với diện tích gần 1.000m2, ông Miên chia thành 2 ao lớn để nuôi, các ao còn lại ông dùng để ương giống và xử lý nguồn nước đầu vào. Tổng chi phí ban đầu cho 1 ao nuôi tôm trong nhà gần 500 triệu đồng, bao gồm xây ao lắng, xây nhà bao phủ các ao nuôi, lót bạt đáy ao, lắp hệ thống quạt oxy đáy… Ao nuôi tôm đều được thiết kế kiểu ao nổi với ưu điểm đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Ao nổi còn có ưu điểm là thuận tiện cải tạo vệ sinh phơi nền đáy được dài ngày nên hạn chế mầm bệnh. Ông sử dụng chế phẩm vi sinh để vệ sinh bạt đáy sau mỗi vụ nuôi thả, đều đặn ngày 3 lần kiểm tra chất lượng nước và lượng thức ăn tồn dư để điều chỉnh cho phù hợp. Tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, dễ dàng quản lý lượng thức ăn, mật độ thả và xử lý môi trường, hạn chế được dịch bệnh trên đàn tôm. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên có thể thả tôm nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg, hiệu quả hơn nuôi tôm trong ao đất truyền thống từ 2-3 lần. Bên cạnh đó, phương pháp nuôi tôm trong nhà kính còn tạo điều kiện nuôi thâm canh, chủ động được thời điểm thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”, đặc biệt giá tôm ở trái vụ có thể cao gấp đôi chính vụ. Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá tôm xuất bán giảm nhưng tôm của gia đình ông vẫn có nhiều thương lái đến mua bởi chất lượng tôm tốt, mẫu mã đồng đều, tạo được uy tín với khách hàng. Qua 1 năm thực hiện mô hình, ông Miên cho biết: “Nhờ chuyển sang áp dụng mô hình nuôi này đàn tôm lớn nhanh hơn, khỏe mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có, tôm thành phẩm sạch hoàn toàn, bóng đẹp nên khách hàng ưa chuộng”. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, ông Phạm Văn Miên còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Với vai trò chủ tịch Hội người mù huyện Giao Thủy, ông luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên những người khiếm thị trên địa bàn huyện tham gia tổ chức hội. Bên cạnh đó, ông cùng Thường trực Hội tạo điều kiện cho hội viên học chữ nổi; hướng dẫn hội viên thủ tục vay vốn và định hướng lao động, sản xuất, giúp gia đình hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích; duy trì các hoạt động nghề trong hội viên như chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm tăm tre, chổi đót...
“Thương binh tàn nhưng không phế”, lời Bác Hồ dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho hàng ngàn thương, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích cho xã hội. Trong những năm tháng xông pha trận mạc, họ chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc; trong thời bình, trở về quê hương, mặc dù cơ thể không còn lành lặn họ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động, làm kinh tế giỏi. Những thương binh như ông Phạm Văn Miên đã trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa