Mô hình SWOT khẳng định sự phù hợp của quy hoạch phát triển điện gió ở Quảng Trị
Để có căn cứ đề xuất chiến lược và giải pháp phát triển bền vững điện gió đến năm 2030 ở tỉnh Quảng Trị, trước hết cần phân tích tiềm năng thực tế về phát triển điện gió dựa trên mô hình SWOT (điểm mạnh/S-điểm yếu/W-cơ hội/O- thách thức/T). Đây là phương pháp đánh giá, phân tích một cách khách quan làm cơ sở cho việc hiện thực hóa chủ trương đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Trước hết xét về điểm mạnh (S) là dựa vào tiềm năng và dư địa để phát triển điện gió, đặc biệt là khu vực phía Tây và phía Đông. Hiện nay, diện tích đất để phục vụ cho quy hoạch phát triển điện gió ở 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ còn khá lớn.
Mạng lưới truyền tải điện gồm Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà-Lao Bảo đã hoàn thành, giúp các dự án điện gió giải tỏa công suất phát điện thương mại. Từ tiềm năng, lợi thế đó nên tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương ưu tiên phát triển điện gió hướng đến trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Theo đó sẽ có 82 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.000 MW, 22 dự án điện mặt trời tổng công suất 1.750 MW, 3 dự án điện khí tổng công suất 6.340 MW và 2 dự án điện than tổng công suất 2.400 MW. Như vậy, điện gió là một trong những ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Điểm yếu (W): Hạ tầng giao thông trên địa bàn, đặc biệt là mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ phát triển điện gió. Hoạt động vận chuyển trang thiết bị gây cản trở giao thông và rủi ro tai nạn cho cộng đồng.
Mặt khác, sự phát triển điện gió gây ra một số tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên như: nguy cơ sạt lở đất, chiếm dụng đất rừng sản xuất, phát sinh các bãi thải (do san ủi mặt bằng tạo ra khi phát triển điện gió), xói mòn và rửa trôi từ các bãi thải, taluy đường giao thông làm mất đất sản xuất, tăng nồng độ TSS và Fe trong một số nguồn nước mặt, cản trở luồng di cư của một số loài động vật hoang dã. Những tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội của các dự án điện gió xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị và thi công dự án, chưa tạo được sinh kế mới cho cộng đồng...
Cơ hội (O): Xu thế trên thế giới nói chung, Việt Nam và tỉnh Quảng Trị nói riêng đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Nhiều tuyến đường giao thông mới được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp tục phát triển các dự án điện gió và liên thông giữa các xã, huyện ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Phát triển mạnh điện gió trên địa bàn tỉnh sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các địa phương.
Thách thức (T): Giá FIT dành cho điện gió đã hết hạn từ 1/1/2021 và giá mua điện gió chuyển tiếp của EVN hiện vẫn chưa được ban hành. Tiếp cận tài chính của các dự án điện gió sau khi giá FIT hết hạn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Khu vực quy hoạch điện gió có một số vùng có nguy cơ sạt lở cao và việc phát triển mạnh điện gió trên các vùng đồi núi có thể tác động đến sạt lở đất. Thiếu kiểm soát trong quá trình xây dựng gây ảnh hưởng đến nguồn nước và đất sản xuất của cộng động.
Ngoài ra cần phải kể đến các yếu tố bị tác động tiêu cực khác như phát triển các dự án điện gió sẽ làm tăng tiếng ồn cục bộ; ảnh hưởng đến chất lượng nước của một số nguồn nước mặt; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do xói mòn và rửa trôi làm mất một phần đất nông nghiệp; ảnh hưởng đến tầm nhìn tự nhiên do các trụ điện gió và cánh quạt cản trở; tác động đến tập tục của cộng đồng (thói quen sử dụng nước, phương thức canh tác, sinh kế) và an ninh trật tự của địa phương.
Tuy vậy, nếu có các giải pháp phù hợp để chống xói mòn và sạt lở, quy hoạch phát triển các dự án và đường giao thông phù hợp ở cấp huyện, có các quy định rõ ràng về sử dụng đất, bồi thường, tái định cư thì các tác động tiêu cực kể trên sẽ ở mức thấp.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, phát triển các dự án điện gió sẽ đóng góp tích cực vào chương trình giảm phát thải carbon quốc gia và địa phương. Việc phát triển các dự án điện gió sẽ góp phần cải thiện sinh kế và việc làm cho cộng đồng địa phương.
Do đó, chính quyền các cấp kết hợp với các chủ dự án cần có thỏa thuận rõ ràng về việc chuyển đổi sinh kế (đối với nhóm bị mất đất vĩnh viễn) và việc làm (nhóm mất đất tạm thời và giảm diện tích canh tác). Phát triển các dự án điện gió sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông trong khu vực và đóng góp vào tăng ngân sách cho địa phương.
Tóm lại, sự phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tác động nhất định đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế-xã hội ở địa phương. Trong đó, các tác động tiêu cực chủ yếu xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị và thi công xây dựng dự án. Trong giai đoạn vận hành các dự án, các tác động tích cực là chủ yếu.
Mặt khác, trong quy hoạch phát triển các dự án điện gió đến năm 2030, nếu thực hiện được các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn chuẩn bị và thi công các dự án, tác động tích cực của phát triển điện gió sẽ tăng lên. Hệ thống cơ sở dữ liệu GIS, ArcGIS và các bản đồ số về các dữ liệu liên quan đến phát triển điện gió cần được cập nhật và sử dụng để phục vụ thuận lợi công tác quản lý và quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn tới và đến năm 2030.
Kết quả đánh giá tác động các dự án điện gió đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế-xã hội của khu vực di dân và lân cận, trong đó những tác động tiêu cực đến tài nguyên và đa dạng sinh học, sạt lở đất chủ yếu xảy ra trong giai đoạn đầu tư, xây dựng; những tác động tiêu cực sẽ ngày càng giảm trong quá trình vận hành.
Giai đoạn vận hành có nhiều tác động tích cực hơn như thay đổi sinh kế người dân theo hướng có lợi; cơ hội cho phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương, làm giảm tỉ lệ phát thải carbon (tính theo CO2 ) hơn 100 lần so với các nguồn năng lượng không tái tạo…
Nếu thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đồng bộ thì có thể tiếp tục phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tổng tác động tích cực sẽ tăng lên và sẽ ở mức tích cực từ trung bình đến cao.
Rõ ràng việc đánh giá tác động của dự án điện gió đến kinh tế-xã hội-môi trường, bao gồm việc đánh giá chi tiết, đầy đủ những tác động cả tích cực và tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và đặc biệt là đời sống của người dân, về sinh kế, nơi ở mới, bản sắc văn hóa và tình hình an ninh trật tự...là việc làm rất cần thiết.
Bởi đây là những cơ sở để khẳng định cho mục tiêu mà tỉnh Quảng Trị đã đề ra và định hướng phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn cũng như trả lời chính xác về những băn khoăn mà Nhân dân, dư luận đã và đang đặt ra.
Đồng thời, làm rõ hơn phạm vi các tác động về không gian, thời gian; làm rõ mức độ tác động nếu tập trung nhiều dự án điện gió trên cùng một địa bàn. Từ đó có cơ sở để khoanh vùng hạn chế, xác định vùng thuận lợi để phát triển các dự án điện gió theo quy hoạch đến năm 2030.