Mô hình 'thay đổi nếp nghĩ, cách làm' của đồng bào theo Chương trình MTQG 1719
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Kon Tum đã bám sát các chương trình, nỗ lực triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống của đồng bào DTTS.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên, tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Hiện trên địa bàn tỉnh có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 55% dân số trong tỉnh. Kon Tum có 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719
Chương trình MTQG 1719 là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Kon Tum, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó đáng chú ý là các công trình hạ tầng được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo ở vùng đồng bào DTTS.
Đến thời điểm hiện nay, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đều được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ động và triển khai kịp thời. Trong đó tất cả các khâu rà soát, xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung hoạt động, danh mục đầu tư, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị được triển khai đồng bộ để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.
Ước tính đến 30/6/2023, tỉnh đã giải ngân vốn năm 2022 của Chương trình được hơn 367 tỷ đồng, đạt 78% dự toán Trung ương giao; giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 đạt hơn 242 tỷ đồng, đạt hơn 29% so với kế hoạch.
Để thực hiện có hiệu quả Chương MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình.
Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 3 - 4%/năm; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng thông rộng; trên 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện khó khăn hiện nay…
Trong quá trình triển khai thực hiện tỉnh Kon Tum cũng gặp khó khăn, vướng mắc, vì đây là một chương trình lớn và có nhiều dự án thành phần nhưng Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh nhằm hướng dẫn, tháo gỡ để Chương trình triển khai thông suốt tại các địa phương trong tỉnh Kon Tum.
Mô hình "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm" ở huyện Sa Thầy giúp bà con vươn lên làm giàu
Chương trình MTQG 1719 có ảnh hưởng tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Huyện Sa Thầy là địa bàn có rất nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có trên 57% dân số là người đồng bào DTTS.
Trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi có nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.
Tính đến nay, huyện Sa Thầy đã đầu tư hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, 15 công trình giao thông, 2 công trình trường học, 2 công trình văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung. Hiện đơn vị đang xây dựng 26 công trình mới.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 264 hộ, tổ chức đào tạo nghề cho 362 lao động; dạy xóa mù chữ cho 104 người vùng đồng bào DTTS và tập huấn nâng cao năng lực cho 190 người dân cộng đồng.
Thời gian tới, huyện sẽ lồng ghép các nguồn vốn từ Trung ương cũng như các địa phương để nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho bà con DTTS yên tâm sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, mô hình để "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm" trong vùng đồng bào DTTS; giúp bà con ý thức được phải làm mới có ăn, từ đó vươn tới làm giàu.