Mô hình thiết thực, hiệu quả

Thực hiện mô hình 'Biến thực phẩm dư thừa thành tiền', hơn hai năm qua, Hội Phụ nữ (HPN) Phòng Tham mưu Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3 không chỉ bảo đảm tốt bữa ăn cho đơn vị và các tàu làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mà còn có kinh phí hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn trên địa bàn đóng quân.

 Cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Tham mưu Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với địa phương tặng quà bà Trần Thị Tý.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Tham mưu Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với địa phương tặng quà bà Trần Thị Tý.

Trong căn nhà đã xuống cấp ở phường 11 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), bà Trần Thị Tý rất vui, cố gắng ngồi dậy đón khách khi thấy cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ (HPN) Phòng Tham mưu và HPN phường 11 đến thăm. Vừa trò chuyện, bà Tý vừa gượng đưa cánh tay bị liệt do tai biến, nắm tay chị em phụ nữ CSB như thay lời cảm ơn. Chồng mất đã lâu, một mình bà Tý tần tảo nuôi con trai đến khi trưởng thành, có việc làm nuôi sống bản thân. Mấy năm nay sức yếu dần, lại bị bệnh tiểu đường và tai biến mạch máu não khiến việc đi lại, sinh hoạt thường ngày của bà gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi tiêu và thuốc men chữa bệnh đều trông vào đồng lương ít ỏi của con trai, nên gia cảnh bà Tý quanh năm túng thiếu. Biết được hoàn cảnh của bà, HPN Phòng Tham mưu quyết định trích quỹ từ mô hình “Biến thực phẩm dư thừa thành tiền” hỗ trợ mẹ con bà trong lúc khó khăn. Nhận món quà ý nghĩa đó, bà Tý xúc động: “Số tiền thực sự rất có giá trị đối với tôi. Đây là tình cảm, là nguồn động viên để tôi tiếp tục sống, làm chỗ dựa tinh thần cho con”.

Cũng trong dịp này, chị em phụ nữ Phòng Tham mưu đã đến thăm, tặng quà bà Cao Thị Ánh, 53 tuổi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc phường 11 và nhiều trường hợp khác. Tất cả kinh phí đều là thành quả thực hiện mô hình “Biến thực phẩm dư thừa thành tiền”. Thiếu tá QNCN Lưu Thị Xuân Hiệp, Chủ tịch HPN cơ sở Phòng Tham mưu, cho biết: “Từ thực tế công việc, năm 2017, Ban Chấp hành HPN xin ý kiến lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cho triển khai mô hình “Biến thực phẩm dư thừa thành tiền” trong hội viên phụ nữ. Ngay sau khi được cấp trên nhất trí, chúng tôi lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ đến từng hội viên. Tại các bếp ăn do phụ nữ của Phòng Tham mưu đảm nhiệm, chị em chủ động thu gom thực phẩm dư thừa sau chế biến và thức ăn còn thừa sau bữa ăn của bộ đội. Ở những bếp khác thì đặt thùng chứa xin thực phẩm và thức ăn thừa. Hết giờ làm việc, theo từng vị trí được phân công, hội viên phụ nữ các bếp thu gom thực phẩm tồn dư, chuyển ra hố đất đã đào sẵn để ủ phân bón cây”.

Với phương thức chăm sóc rau, quả không sử dụng phân bón hóa học mà theo quy trình phân bón hữu cơ, chị em đã tận dụng gốc rau, đầu cá, lá rau già úa và thức ăn dư thừa để ủ phân trồng bầu, bí, mướp, su su. Phương pháp này không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm chi phí và an toàn cho môi trường. Nhờ vậy, chỉ trong hai năm, HPN cơ sở Phòng Tham mưu đã thu được khoản tiền khá để tổ chức các hoạt động hữu ích, như: Tặng 50 suất ăn trẻ em ở mái ấm tình thương phường 11; 35 suất học bổng tổng trị giá 10 triệu đồng tặng học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; 120 bộ quần áo, 10 thùng mì gói và các đồ dùng học tập tặng học sinh xã Long Sơn (TP Vũng Tàu); hỗ trợ 20 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình…

Chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình, Thượng úy QNCN Đàm Thị Hải Lý, hội viên HPN cơ sở Phòng Tham mưu cho biết: "Đồng thời với việc thu gom thức ăn dư thừa để ủ phân, chúng tôi kết hợp ươm cây giống. Khoảng 25-30 ngày sau khi các sản phẩm này phân hủy, oai mục, chúng tôi mang bón xuống các hố, để sau một đến hai ngày, rồi đưa cây giống đã ươm ra trồng. Sau đó, chị em phân công nhau chăm sóc vườn, giàn tăng gia. Để nâng cao năng suất, chúng tôi trồng xen canh, gối vụ thích hợp, nên vườn tăng gia luôn tươi tốt, có sản phẩm thu hoạch quanh năm, gây quỹ cho các hoạt động của hội".

Nguồn rau, củ, quả sạch thu từ mô hình được đưa vào bữa ăn của đơn vị và phục vụ kịp thời cán bộ, chiến sĩ các tàu của vùng làm nhiệm vụ đột xuất trên biển, số còn lại được hội bán cho khu gia đình quân nhân hoặc đưa ra chợ bán. Trừ các khoản chi phí, số tiền mỗi tháng nhập vào quỹ HPN khoảng 2-3 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hội; đồng thời lan tỏa ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là cách làm đơn giản, tận dụng tối đa sản phẩm dư thừa, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực ở Vùng CSB 3.

Bài và ảnh: ĐỨC ĐỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/mo-hinh-thiet-thuc-hieu-qua-598855