Mô hình thư viện thân thiện với học sinh
ĐBP - Thay đổi nhận thức trong việc đọc sách và khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh là nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Với ý nghĩa đó, những năm qua các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã tích cực triển khai xây dựng mô hình thư viện thân thiện với không gian mở, tạo hứng thú cho học sinh đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường.
Tranh thủ giờ ra chơi, các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) đến thư viện tìm đọc sách.
Bà Ðặng Thị Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có 67 trường mầm non, tiểu học, THCS, trong đó 59 trường có thư viện đạt chuẩn. Các mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh phù hợp với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, sự sáng tạo và tiếp thu tri thức của các em. Ðặc biệt, học sinh trong huyện chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên các mô hình thư viện đã hỗ trợ các em tăng cường khả năng đọc, hiểu tiếng Việt”.
Phòng thư viện thân thiện Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Phu Luông rộng 60m2, được trang trí bởi những hình vẽ, tranh ảnh, cây xanh tạo cảm giác thoải mái, không gian trong lành. Toàn bộ kho sách được xếp gọn gàng, ngay ngắn, bắt mắt, tầm thấp, thuận tiện cho các em tìm đọc. Tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi vừa điểm, một lát sau đã thấy các em học sinh ùa vào thư viện để tìm các loại sách mình thích đọc. Em Lò Thu Trang, học sinh lớp 8A3 chia sẻ: “Thư viện trường là điểm đến yêu thích của em trong giờ ra chơi và những lúc rảnh rỗi. Vì ở đây không chỉ đẹp, bắt mắt giúp em giải tỏa những căng thẳng sau giờ học, mà còn là kho tàng tri thức ẩn trong những cuốn sách luôn thu hút chúng em, sắp tới em chuẩn bị thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện nên lúc nào rảnh em lại xuống thư viện để làm thêm bài tập sách nâng cao”.
Ngoài ra, trường còn chú trọng xây dựng thư viện xanh gần gũi với thiên nhiên để giúp các em có tinh thần thoải mái, dễ dàng trao đổi tri thức. Thư viện xanh của trường tận dụng các khoảng trống ở hành lang, giữa các dãy nhà, dưới các gốc cây. Các em có thể đọc sách dưới bóng mát của tán cây vào giờ nghỉ giải lao, hay là bất cứ chỗ nào các em thấy thoải mái, thuận tiện nhất. Ở đây các em thực sự được chơi mà học - học mà chơi; không gian xanh đã tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi tri thức.
Thầy Ðỗ Hữu Tụy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Phu Luông cho biết: Với học sinh dân tộc thiểu số, biên giới còn nhiều khó khăn như xã Phu Luông thì việc khuyến khích các em phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng của trường. Ðiều này không chỉ giúp các em trau dồi tri thức, kỹ năng sống mà còn tạo thói quen giao tiếp tiếng Việt hàng ngày. Do đó, trường xây dựng cơ sở vật chất để các em có điều kiện đọc sách trong thư viện; Ban Giám hiệu nhà trường phân công cán bộ thư viện quản lý các đầu sách, lập sổ theo dõi học sinh mượn, trả sách hàng ngày, nhắc nhở các em nâng cao ý thức khi sử dụng sách. Ðể khuyến khích các em say mê hơn với việc đọc sách, trường đã thường xuyên thay đổi hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách như: Giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng trong các buổi chào cờ đầu tuần, kể chuyện theo sách.
Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường đặc biệt quan tâm xây dựng kho sách. Hiện nay, thư viện trường có 3.512 đầu sách, trong đó 2.180 sách giáo khoa; 1.233 sách tham khảo; 500 sách, báo thiếu nhi phục vụ 684 học sinh của 2 cấp tiểu học và THCS. Các đầu sách chủ yếu được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cung cấp, kêu gọi ủng hộ, đóng góp, sưu tầm của giáo viên, nhân viên trong trường.
Mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh trong trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã và đang góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh; giúp các em tiếp cận tri thức, phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, tại các thư viện, nguồn sách vẫn còn hạn hẹp, không phong phú, chủ yếu là các sách tham khảo, sách giáo khoa, truyện thiếu nhi... Ðể mô hình thư viện ngày càng đa dạng, phong phú, học sinh được tiếp cận với nhiều tri thức, ngoài đầu tư của trường học, rất mong có sự chung tay đóng góp của các bậc phụ huynh học sinh, cộng đồng để tăng cường thêm cơ sở vật chất, số lượng đầu sách.. hỗ trợ cho các em nâng cao kiến thức toàn diện.