Mô hình tự quản đường biên, cột mốc ở Yên Châu
Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự bản biên giới của huyện Yên Châu đã mang lại kết quả tích cực. Các tổ tự quản trở thành “cánh tay nối dài” giữa bộ đội với nhân dân các dân tộc vùng biên giới, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hơn 3 năm trở lại đây, các cột mốc, đường biên giới thuộc bản Nà Cài, xã Chiềng On, luôn được bà con trong bản quan tâm bảo vệ. Mỗi lần đi chăn thả gia súc hay lên làm nương ở khu vực giáp biên, bà con lại dành thời gian đi một vòng tuyến biên giới, phát quang cây cỏ, dọn dẹp quanh các cột mốc. Những việc làm này đã trở thành thói quen của bà con.
Ông Vì Văn Chiến, Trưởng bản, Tổ trưởng Tổ tự quản an ninh trật tự (ANTT) bảo vệ đường biên, cột mốc bản Nà Cài, cho biết: Tổ được thành lập năm 2015, gồm 20 thành viên; xây dựng quy ước giữ gìn ANTT, phát huy uy tín, vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, dòng tộc trong việc giáo dục con cháu chấp hành các quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của địa phương. Sinh hoạt mỗi tháng một lần, các thành viên trong tổ tự nguyện luân phiên hằng tuần tham gia tuần tra cùng với các chiến sỹ Đồn Biên phòng Chiềng On, dọn dẹp, phát quang đường biên, cột mốc và vận động mọi người thực hiện nghiêm quy chế biên giới đất liền, không vượt biên trái phép, không xâm canh, xâm cư sang nước bạn.
Thiếu tá Nguyễn Chí Hiếu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng On, cho biết: Khi chưa có mô hình tổ tự quản, địa bàn thường xảy ra tình trạng xâm canh xâm cư, chăn thả gia súc phá hoại hoa màu của nhau, thậm chí đập phá cột mốc biên giới... Từ khi thành lập Tổ tự quản, góp phần giữ vững trật tự trị an trên khu vực biên giới hai nước, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép; bảo vệ đường biên mốc quốc giới nguyên trạng.
Còn tại xã Chiềng Tương có 9 bản, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, những năm trước, là 1 trong 4 xã phức tạp về ANTT của huyện Yên Châu. Đảm bảo ANTT khu vực biên giới, UBND xã phối hợp với lực lượng biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực thực hiện dân vận khéo thông qua hoạt động giao lưu, kết nghĩa, đỡ đầu; bám nắm địa bàn với phương châm “3 bám, 4 cùng”... Đến nay, xã đưa vào hoạt động hiệu quả 4 Tổ tự quản đường biên, cột mốc, với trên 500 người tham gia.
Tổ tự quản đường biên, mốc giới bản Pa Khôm có 77 thành viên, duy trì sinh hoạt 1 lần/tháng; tham gia với cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Chiềng Tương tuần tra đường biên, cột mốc 3 lần/tháng. Anh Vàng Lao Chanh, Tổ trưởng, chia sẻ: Chúng tôi cùng lực lượng biên phòng tuần tra biên giới và tích cực tuyên truyền nhân dân hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Đến nay, người dân trong bản đều nhận biết các dấu hiệu về đường biên giới, cột mốc và tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn.
Thiếu tá Nguyễn Công Lưu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Tương, chia sẻ: Đơn vị đã thành lập các tổ công tác, trực tiếp đến từng bản tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định về biên giới cho nhân dân hiểu và thực hiện. Phát động 100% số bản đăng ký xây dựng mô hình tổ tự quản về ANTT. Từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với các lực lượng tổ chức 10 cuộc tuần tra, kiểm soát đường biên mốc giới, bắt giữ 7 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy. Nhờ vậy, tình hình ANTT xã Chiềng Tương chuyển biến rõ rệt, không còn điểm nóng về ANTT, người dân yên tâm lao động sản xuất.
Yên Châu có gần 57 km đường biên giới, tiếp giáp các huyện Sốp Bâu, Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; với 4 xã biên giới gồm: Chiềng On, Phiêng Khoài, Chiềng Tương, Lóng Phiêng. Đến nay, toàn huyện thành lập, duy trì 17 tổ tự quản đường biên mốc giới, 91 tổ tự quản an ninh trật tự với sự tham gia của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, đảng viên...; đặc biệt, có sự tham gia của người uy tín và những hộ dân sống giáp biên. Các tổ tự quản thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, tham gia giải quyết nhiều vụ việc xảy tại cơ sở. Các tổ tự quản trở thành thế trận an ninh nhân dân rộng khắp và mỗi người dân chính là những “cột mốc” sống nơi biên cương, là phên giậu bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.