Mô hình tưới tiết kiệm nước: Hiệu quả, nhưng khó triển khai
So với phương thức tưới truyền thống, thì mô hình tưới tiết kiệm nước mang lại nhiều hiệu quả, nhưng khó triển khai nhân rộng. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí đầu tư lớn...
Tiết kiệm nước, tăng năng suất
Khu vườn rộng hơn 6 sào trồng các loại cây ăn trái như bưởi, mít, cam, chanh... của ông Tạ Ngọc Anh, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) luôn xanh tươi, trĩu quả. Những tháng nắng nóng cao điểm, nhiều vườn cây khác bị cháy lá, thì vườn cây ăn quả của ông Anh vẫn phát triển tốt. Lý giải điều này, ông Anh cho biết: Trước đây, tôi tự mày mò, tìm hiểu về hệ thống tưới nước dọc theo hàng cây. Mỗi gốc cây có một ống phun với lượng nước vừa đủ để nước thấm từ từ, không lãng phí, chi phí khoảng 10 triệu đồng. Nhờ hệ thống tưới này, giúp tôi chủ động trong việc tưới nước, cây phát triển tốt.
Nhờ đầu tư hệ thống ống dẫn nước tưới đến từng gốc cây, giúp vườn cây của ông Tạ Ngọc Anh, thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) luôn tươi tốt.
“Trung bình 7 ngày, tôi tưới nước cho vườn cây một lần. Nếu tưới theo cách truyền thống, thì với gần 400 cây ăn quả các loại, tôi phải tốn 1 - 2 ngày mới xong. Còn với hệ thống ống dẫn nước tưới đến từng gốc cây, tôi chỉ cần bật công tắc tưới vào ban đêm. Ngoài ra, kết hợp tưới phân rất thuận tiện, vì có thể cho phân vào ống dẫn nước”, ông Anh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Trung, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đã lắp đặt hệ thống tưới phun cho 8 sào rau, với chi phí đầu tư 40 triệu đồng. Từ đó giúp ông tiết kiệm nước, điện, nhân công, trong khi năng suất lại cao hơn, nên chỉ sau một thời gian là ông đã thu hồi được vốn.
Khó nhân rộng
Theo đánh giá của ngành chức năng, phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước giúp tăng từ 20 - 40% năng suất cây trồng, đồng thời giảm 30 - 40% chi phí công lao động để tưới và chăm sóc. Bên cạnh đó, phương pháp này còn tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước, tăng 20% giá trị sản xuất nông nghiệp/ha. Song, dù mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, nhưng hiện nay việc triển khai áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm vẫn chưa phổ biến.
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Phan Thanh Trinh cho hay: Các mô hình tưới nước tiết kiệm phát huy tác dụng, nhất là vào mùa khô hạn. Nhưng vì chi phí lắp đặt ban đầu cao, trong khi đầu ra các sản phẩm bấp bênh, nên nhiều người dân chưa mặn mà.
Thống kê cho thấy, diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chỉ đạt 1,8% so với tổng diện tích đất nông nghiệp cả tỉnh. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chủ yếu do vài doanh nghiệp đầu tư, còn lại một số hộ dân mới dừng lại ở mô hình thí điểm, chứ chưa nhân rộng. Vì thế, để khuyến khích nhân rộng các phương pháp tưới tiết kiệm, cần tăng cường tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, để người dân nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc tưới tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp triển khai tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, giúp tăng giá trị sản phẩm, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu.