Mặc dù nổi tiếng với các sản phẩm màn hình gaming cao cấp như Odyssey G7 hay G9, Samsung cũng không quên phân khúc bình dân với dòng Odyssey G3. Tất nhiên để chạm được tầm giá dưới 6 triệu Đồng của mình, chiếc màn hình này sẽ phải loại bỏ đi những tính năng cao cấp như tỷ lệ Ultrawide, thiết kế cong, những công nghệ hiển thị cao cấp như HDR, độ phân giải cao.
Nhưng cũng không phải vì vậy mà sản phẩm này kém hấp dẫn, khi vẫn đem được tần số quét cao 165Hz xuống tầm giá rẻ, nhắm tới game thủ eSport muốn có lợi thế trong những tựa game cần phản hồi nhanh nhất có thể.
Những phụ kiện trong hộp Odyssey G3 bao gồm củ sạc, dây sạc và dây Displayport.
Đây là chân đế của màn hình, được ghép từ 2 phần và có thể lắp đặt mà không cần dụng cụ. Chân cho cảm giác rất chắc chắn vì được làm nặng, 2 thanh ngang cũng dài và vững chãi.
Mặt sau chân có 1 miếng cao su nhỏ để luồn dây qua, dấu sau trụ chân để không nhìn thấy từ mặt trước.
Chân gắn với màn hình cũng không cần thêm tuốc vít, chỉ cần lắp đúng ngàm là xong. Nhưng nếu muốn ta cũng có thể gắn màn với arm bằng chuẩn VESA.
Sau khi lắp chân thì ta sẽ lắp thêm một miếng như hình để mặt sau có thiết kế liền lạc, đẹp mắt hơn - đây là một yếu tố khá hay của dòng màn hình Odyssey từ rẻ tới đắt. Ở các sản phẩm cao cấp hơn thì phần này còn có cả đèn LED đổi màu nữa nhưng Odyssey G3 thì không có.
Các cổng kết nối của màn hình bao gồm cổng nguồn, 3.5mm, HDMI, Displayport và cổng USB dành cho việc sửa chữa.
Để điều khiển màn hình ta có 1 Joystick duy nhất ở cạnh đáy, một cách điều khiển đơn giản hóa mà cũng đã có nhiều hãng áp dụng.
Chân của Odyssey G3 cho phép màn hình lật lên xuống, điều chỉnh chiều cao, quay 2 bên và xoay ngang - dọc.
Phiên bản chúng tôi có tại đây là Odyssey G3 24 inch, ngoài ra còn có một phiên bản 27 inch lớn hơn nhưng cũng sẽ có giá bán cao hơn.
Viền màn hình được làm khá mỏng, tương tự như các dòng màn hình gaming mới hiện nay.
Chỉ riêng có cạnh dưới làm dày hơn một chút vì có phần viền dể đặt logo cũng như cụm thiết kế nhìn như ống tản nhiệt của máy bay này. Nhìn cụm này giống loa ngoài, nhưng thực chất màn hình này không có loa.
Phần mềm điều khiển màn hình có thể được bật lên nhờ Joystick ở cạnh dưới, và ta có thể điều chỉnh độ sáng, tương phản, màu sắc màn hình, bật tắt tính năng chống xé hình AMD FreeSync Premium, tính năng chống giật (Flicker), bật tâm giả cho các tựa game bắn súng và chỉnh âm lượng cho cổng 3.5mm.
Về cấu hình, Odyssey G3 trang bị tấm nền VA 16:9 độ phân giải FullHD (1920 x 1080) tần số quét cao nhất 165Hz, tốc độ phản hồi 1ms và độ sáng 250 cd/㎡.
Trong những cấu hình này thì tần số quét 165Hz và tốc độ phản hồi 1ms sẽ là đáng giá nhất, giúp người dùng trải nghiệm game với độ mượt cao, không bị giật lag. AMD FreeSync Premium cũng sẽ hỗ trợ để đồng bộ hóa hình ảnh, không bị "xé nhỏ" ở giữa khung hình.
Để có các tính năng mạnh mẽ hơn như HDR, độ phân giải 2K, tỷ lệ màn hình 21:9 hay độ sáng cao hơn thì ta sẽ phải nâng cấp lên các phiên bản cao cấp hơn như Odyssey G4, G5 hay G7, G9.