Mở hướng làm giàu sau dồn thửa đổi ruộng

Vẫn là những mảnh vườn, thửa ruộng bao đời gắn bó với người nông dân, nhưng nhờ thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng (DTĐR) đã tạo nên những “cú hích” trong sản xuất nông nghiệp, hình thành những vùng chuyên canh rộng lớn. Đặc biệt là sự đột phá trong tư duy, mạnh dạn áp dụng những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, nhiều nông dân trong tỉnh đang trở thành những tỷ phú sinh ra từ làng, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Đất ruộng “nở hoa”

Sau dồn thửa đổi ruộng, những cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch đã đủ điều kiện để "làm ăn lớn"

Sau dồn thửa đổi ruộng, những cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch đã đủ điều kiện để "làm ăn lớn"

Quá nửa đời người lam lũ làm nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Hiển, thôn Đại Lữ, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch luôn gắn bó, quý ruộng như vàng bởi ruộng đồng đã giúp gia đình bà có cái ăn, cái mặc, nuôi các con ăn học. Thế nhưng, ruộng nhà bà Hiển lại có diện tích nhỏ, manh mún, nên bao năm vất vả, gia đình bà canh tác cũng chỉ đủ ăn, lợi nhuận không đạt như kỳ vọng.

Năm 2018, khi địa phương bắt đầu triển khai chủ trương DTĐR, bà Hiển đã không ngần ngại nhường những thửa ruộng nhỏ lẻ nhưng màu mỡ của mình để đổi lấy phần đất dưới chân đê, rộng nhưng khó canh tác hơn. Cũng từ đó, bà đã hiện thực hóa ước mơ xây dựng mô hình kinh tế làm giàu từ nông nghiệp mà gia đình đã ấp ủ bấy lâu.

Bà Hiển cho biết: “Khi nhận đất ở đây, gia đình tôi được cấp hơn 4.000 m2 đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả. Do đó, tôi và chồng đã mạnh dạn vay vốn, mua máy móc, hệ thống máy bơm, đường ống đưa nước về để cải tạo đất. Trên diện tích đất, gia đình tôi quy hoạch một phần đất rộng hơn 2.000 m2 để đào ao thả cá, nuôi lợn bột, trồng các loại cây ăn quả. Diện tích còn lại, gia đình tôi cải tạo thành những thửa ruộng gieo lúa 2 vụ".

Nhờ kiên trì, bền bỉ cùng sự hỗ trợ của máy móc, đến nay, những thửa ruộng của gia đình bà Hiển đã trở thành “bờ xôi ruộng mật”. Trung bình 1 năm, chưa kể nguồn thu từ trồng lúa, gia đình bà có thu nhập từ 200-300 triệu đồng từ mô hình trang trại tổng hợp vườn ao chuồng (VAC). Đây là nguồn thu nhập mà nếu chỉ trồng lúa như trước đây, gia đình bà chưa từng có được.

Xã Đồng Ích có khoảng 800 ha đất nông nghiệp với hơn 40.000 thửa ruộng. Bình quân, mỗi hộ có tới hơn 12 thửa ruộng ở các xứ đồng khác nhau, diện tích trung bình khoảng gần 200 m2/thửa.

Năm 2019, thực hiện công tác DTĐR, xã đã triển khai thí điểm tại 2 thôn Đại Lữ và Hoàng Chung, sau đó lan rộng ra ở cả thôn Tân Lập và Xuân Đán. Đến nay cơ bản đã hoàn thành ở 4 thôn với khoảng 360 ha và 1.800 hộ tham gia.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Ích Trần Đăng Ninh cho biết: “Sau khi DTĐR, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế tổng hợp VAC đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc chỉ trồng lúa ở những cánh đồng manh mún như trước đây.

Ngoài ra, ở Đồng Ích, nhờ những thửa ruộng lớn, liền bờ, liền thửa sau công tác DTĐR mà cánh đồng chiêm trũng “một lúa, một cá” đã được cải tạo thành đất 2 vụ lúa. Các vùng sản xuất chuyên canh cây hàng hóa, cây dược liệu được hình thành, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.

Cùng với đó, để nâng cao giá trị sản xuất lúa trên cùng diện tích đất canh tác, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, xã đã phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa giống tại cánh đồng ngoài thôn Đại Lữ với diện tích 35 ha. Các giống lúa mới được gieo trồng trong mô hình sản xuất lúa giống gồm Tân ưu 98, HD11, BG6. Ước tính, sản lượng lúa vụ mùa năm 2022 đạt khoảng 2,5 tạ/sào”.

Phát triển nhiều mô hình kinh tế mới

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường áp dụng sau dồn thửa đổi ruộng cho hiệu quả kinh tế cao

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường áp dụng sau dồn thửa đổi ruộng cho hiệu quả kinh tế cao

Tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, sau khi thực hiện chủ trương DTĐR, nhiều hộ dân đã có thể đưa cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và xây dựng nhiều mô hình trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đa Trần Đình Chiến cho biết: “Xã có khoảng hơn 100 hộ chăn nuôi, trong đó đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Sau khi vận động người dân thực hiện chủ trương DTĐR vào năm 2018, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Nhờ đó, hiện nay khu chăn nuôi tập trung trải dài tại địa phận 6 thôn, có diện tích khoảng 60 ha đã được UBND xã giao cho 80 hộ với tổng đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng chục nghìn con.

Cũng nhờ thực hiện chủ trương DTĐR và quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đưa các mô hình kinh tế mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp nhằm tăng gia sản xuất.

Hiện nay, ngoài mô hình VAC tiêu biểu, nhiều mô hình kinh tế mới cũng đang được nhiều hộ dân trong xã áp dụng như chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Lê Văn Đại ở thôn Gồ; nuôi trai lấy ngọc của gia đình ông Hoàng Mạnh Hồi ở thôn Yên Định; nuôi cá rô phi đơn tính của gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Thượng…”.

Có thể thấy, DTĐR đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện lựa chọn những mô hình, phương thức sản xuất, chăn nuôi mới cho giá trị kinh tế cao. Từ đó, tạo ra một thế hệ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm, bứt phá khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo quy mô lớn, sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81251/mo-huong-lam-giau-sau-don-thua-doi-ruong.html