Rào cản khiến sách Việt khó ra biển lớn
Theo đánh giá từ các đơn vị xuất bản,ngôn ngữ, kênh phân phối đều là một trong những khó khăn chính khiến sách Việt Nam chưa thể tiến ra quốc tế.
“Hiện nay tôi đã thấy một số tác phẩm của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng tiếp cận độc giả quốc tế. Chỉ một hai năm nữa thôi, tôi tin điều này sẽ trở thành sự thực. Tuy nhiên, thiếu kênh phân phối là một rào cản chính khiến sách Việt khó tiến ra sân chơi lớn”, ông Nguyễn Cảnh Bình (Giám đốc Alphabooks) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Từ nhận định trên, có thể thấy, những ấn phẩm Việt có chất lượng ngày càng tiệm cận với thế giới nhưng một cuốn sách hay lại không có đầu ra thì không thể khẳng định giá trị.
Amazon không hề “dễ tính”
Amazon là gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Đối với mặt hàng sách, đây là sàn thương mại điện tử uy tín với các ông lớn xuất bản. Những cái tên hợp tác với Amazon có thể kể đến như Penguin Random House, Barnes & Nobles, Simon and Schuster, Harper Collins… Để đảm bảo quyền lợi cho các đối tác, Amazon kiểm duyệt đầu vào rất nghiêm ngặt. Từ đó vấn nạn sách lậu cũng được giảm thiểu đáng kể. Nhà phân phối sẽ phải chịu trách nhiệm cho các ấn phẩm họ đăng tải lên nền tảng này.
Để tiến ra thị trường quốc tế, các nhà xuất bản Việt Nam không thể xem nhẹ những tiêu chí mà Amazon đề ra. Họ cần phải liên kết được với những đơn vị phân phối uy tín có hợp tác với Amazon.
“Amazon có những điều khoản gắt gao với mặt hàng sách để chống làm lậu. Cho nên chỉ những đơn vị được đăng ký, có tính hợp pháp, công nhận bởi các tổ chức quốc tế mới có thể kinh doanh trên nền tảng này”, ông Nguyễn Cảnh Bình (Giám đốc Alphabooks) cho biết.
Một trong những chính sách chống sách lậu của Amazon là việc yêu cầu các nhà bán hàng cung cấp đầy đủ thông tin và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trí tuệ khi đăng tải sách lên nền tảng. Nhà bán hàng phải chứng minh được rằng họ có quyền phân phối các tác phẩm này. Những yêu cầu nghiêm ngặt này giúp Amazon xác minh tính hợp pháp của sản phẩm trước khi chúng được phép bày bán. Từ việc tinh lọc đầu vào, sàn thương mại này có thể ngăn chặn hiệu quả việc xuất hiện các ấn bản sách lậu.
Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Thủy (Giám đốc Bản quyền và Hợp tác quốc tế của Thái Hà Books) cũng chỉ ra rằng hai trên bốn lý do khiến sách Việt Nam khó mở rộng ra thị trường toàn cầu là đầu ra và quảng bá.
“Công tác quảng bá và tiếp thị sách chưa được đầu tư. Các chiến dịch quảng bá vẫn còn hạn chế, chưa được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Anh, dẫn đến việc sách Việt Nam ít được biết đến trên thị trường quốc tế”, bà Vũ Thị Thủy nhận định.
Đồng thời, hệ thống phân phối sách chưa phát triển mạnh mẽ. Sách Việt Nam chưa có sự hiện diện rộng rãi tại các nhà sách, thư viện và hội chợ sách quốc tế hay các sàn thương mại điện tử nước ngoài. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận độc giả từ nhiều vùng lãnh thổ khác nhau.
Tiềm năng của sách Việt Nam
Khi nói về vấn đề đưa sách Việt Nam ra quốc tế, họa sĩ Đặng Quang Dũng (tác giả bộ truyện Mèo Mốc và Tây Du Hí) đã chia sẻ rằng bản thân cũng từng dịch thử truyện của mình sang tiếng Anh và đem tới cho bạn bè quốc tế đọc. Nhưng chúng không đem lại hiệu ứng như với độc giả Việt.
Anh Đặng Quang Dũng lý giải rằng: “Các câu đùa của Việt Nam được đặc trong những bối cảnh mang đậm tính xã hội Việt Nam, vì vậy chúng rất khó để chuyển ngữ. Để làm được điều này cần những người dịch thuật có trình độ cao. Vì vậy Mèo Mốc rất khó tiến ra thị trường quốc tế trong khi đó, bộ Tây Du Hí thì sẽ có nhiều khả năng hơn bởi câu chuyện không đòi hỏi sự am hiểu nhiều về đời sống đương đại Việt Nam”.
Nhận định của tác giả Mèo Mốc cho thấy có những tác phẩm hay chưa chắc đã tìm được đường ra “biển lớn”. Không phải vì đây là một tác phẩm thiếu sức hút thương mại, khâu chuyển ngữ cũng là một bài toán nan giải. Đưa sách Việt lên thị trường quốc tế không chỉ là việc kinh doanh, đó là vấn đề “xuất khẩu” văn hóa. Dù vậy, sách Việt hoàn toàn có những tiềm năng chưa được khai phá
Bà Vũ Thị Thủy đánh giá: “Từ những buổi diễn thuyết và tọa đàm tại các hội sách quốc tế, tôi có dịp quảng bá sách của nước mình với bạn bè quốc tế. Từ đó, tôi nhận thấy thị trường sách của chúng ta đang dần hội nhập, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả toàn cầu”.
Ở góc độ người làm dòng sách chuyên về kinh doanh, quản trị và kỹ năng, ông Nguyễn Cảnh Bình cũng tin rằng hiện tại sách Việt Nam có một số tác phẩm nổi bật. Chỉ khoảng 1-2 năm nữa, những bản in này hoàn toàn có thể xuất hiện tại chuỗi cửa hàng sách nước ngoài.
Vấn đề đầu ra, có thể giải quyết chỉ bằng một vài năm. Nhưng để thúc đẩy chất lượng của sách, những người làm xuất bản sẽ phải đánh đổi bằng thời gian dài khó ước tính. Trong đó những chương trình, chính sách vĩ mô là yếu tố quan trọng để thúc đẩy xuất bản nội địa vững mạnh về cả chất và lượng trước khi tiến ra trường quốc tế.
Nguồn Znews: https://znews.vn/rao-can-khien-sach-viet-kho-ra-bien-lon-post1484611.html